Mỏ cát dày đặc đe dọa sông Gianh

Hàng triệu khối cát đã bị khai thác trên một khúc sông Gianh trong 10 năm qua khiến đất đai hoa màu bị nuốt chửng, ảnh hưởng hàng chục ngàn người dân. Năm nay việc khai thác cát quá mức đã kéo theo hệ sinh thái bị ảnh hưởng khiến nhiều người mất kế sinh nhai.

Chưa đầy 1km có 6 mỏ cát

Chúng tôi được người dân các xã Văn Hóa, Châu Hóa, Hóa Tiến, Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa), Cảnh Hóa, Phù Hóa (huyện Quảng Trạch) dẫn đi dọc hai bên sông Gianh đoạn qua các xã này để thấy tình trạng khai thác cát khiến đất đai trồng trọt của địa phương bị sụt lún nghiêm trọng.

Theo quy định, các mỏ cát được cấp phép chỉ khai thác ban ngày (vào buổi sáng từ 6 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ), thứ 7 và chủ nhật không được khai thác.

 Chiến hạm hút cát tập kích sông Gianh

Chiến hạm hút cát tập kích sông Gianh

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Khương (xã Phù Hóa) cho biết: “Họ khai thác cả ngày lẫn đêm. Lèn Rùa trước đây không có khai thác cát đứng vững như thạch, qua 10 năm bị khai thác vô tội vạ, cả hòn lèn đã bị nghiêng, chìm nghiêm trọng. Do các tàu khai thác cát bạ đâu hút đó dẫn đến đáy sông Gianh đoạn gần Lèn Rùa bị hút hẫng chân, sâu hơn 10m, rất nguy hiểm”.

 Bờ bãi sông Gianh đoạn qua Văn Hóa bị xẻ thịt

Bờ bãi sông Gianh đoạn qua Văn Hóa bị xẻ thịt

Tại xã Văn Hóa, ông Trần Hòa Lương, cho biết: “Một khúc sông mà có gần chục mỏ cát khai thác khiến ruộng vườn, nhà dân bị sạt lở, đe dọa an toàn, tài sản. 10 năm trước, bờ sông thoai thoải, nay cách bờ sông 5m là các rãnh hố sâu từ 10-15m rất nguy hiểm”. Theo phản ánh của người dân, chỉ bãi bơi xã Tiến Hóa và bãi Rì Rì xã Văn Hóa dài hơn 700m đã cấp 6 mỏ cát khiến người dân sống bất an.

 Bờ sông dài hơn 700m cấp 6 mỏ cát ở xã Văn Hóa và Tiến Hóa

Bờ sông dài hơn 700m cấp 6 mỏ cát ở xã Văn Hóa và Tiến Hóa

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Tuyên Hóa, trên các xã này có 10 mỏ cát được UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép. Nếu tính thêm các mỏ của xã Đức Hóa, Thạch Hóa thì có đến 12 mỏ cát đang được khai thác mỗi ngày. Trong đó, xã gánh nặng mỏ cát nhiều nhất là xã Tiến Hóa với 4 mỏ cát tại Bãi bơi, được cấp cho Công ty TNHH XDTH Đức Tài¸, Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà, Công ty TNHHTM Toàn Phát, Công ty TNHH Miền Tây.

Trong khi đó, tại xã Văn Hóa, có 2 mỏ cát lớn tại bãi Rì Rì của Công ty TNHH Tùng Cát (công suất 276.581m3), Công ty TNHH Sơn Trường (công suất hơn 100.000m3).

Theo ông Nguyễn Hòa Lương, ở bãi Rì Rì, việc khai thác thường xuyên mỗi lần khoảng 6 tàu, mỗi ngày có khi lên đến 25 tàu hút cát. Vừa qua, đường điện đi qua xã Văn Hóa bị việc hút cát gây sạt lở, phải di dời sâu cách điểm hút cát 100m.

Hệ sinh thái ảnh hưởng nghiêm trọng

Bà Nguyễn Thị Hà cho biết, hành nghề cào chắt chắt (một loài hến nhỏ) trên sông Gianh cho biết, 3 năm nay do khai thác cát làm đáy sông sụp sâu, phù du không nhiều dẫn đến chắt chắt nhỏ, sản lượng ít. Chưa kể, việc hút cát hút luôn lượng lớn chắt chắt vừa sinh trưởng.

Nhiều người dân cũng phản ánh, nghề nuôi cá lồng cũng bị ảnh hưởng do rong - thức ăn của cá dưới sông Gianh bị các tàu hút cát công suất lớn tận diệt. Họ hút cát với tàu sắt khổng lồ dẫn đến các loài cá cũng bị hút vào.

 Tàu hút cát tấn công bờ bãi sông Gianh

Tàu hút cát tấn công bờ bãi sông Gianh

Khi đặt vấn đề vì sao UBND xã ủng hộ cấp đến 4 mỏ cát trên bãi tắm xã Tiến Hóa, ông Hoàng Trọng Tài, Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa phân trần: “Do lịch sử để lại. Tôi mới lên làm lãnh đạo xã nên mới biết thôi”.

Ông Tài cũng cho biết, để hạn chế khai thác cát quá mức, các đơn vị phải có thông báo các tàu thuyền về thời gian khai thác từ 6 giờ đến 11 giờ, chiều từ 11 giờ 30 phút đến 17 giờ. Tuy nhiên, khi PV cho biết, trong một tuần qua, nhiều ngày các bến này khai thác đến 25 tàu thì ông Tài cho biết để kiểm tra lại.

 Quy định khai thác bằng tàu gỗ nhưng tàu sắt vẫn huy động tấn công sông Gianh

Quy định khai thác bằng tàu gỗ nhưng tàu sắt vẫn huy động tấn công sông Gianh

Trong khi đó, ông Trần Đức Hiến, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa khi trao đổi với PV Báo SGGP không thừa nhận có phức tạp trong khai thác cát trên địa bàn. Chỉ khi đề cập đến bãi khai thác cát Rì Rì thì thừa nhận dân có phản ánh. Theo quy định, các tàu khai thác cát là tàu gỗ, tuy nhiên các chủ mỏ thường xuyên thuê các tàu sắt công suất lớn hút cát.

Trước sự việc này, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát tại các địa bàn Văn Hóa, Tiến Hóa; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nhằm chống thất thoát nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường”.

 Các mỏ cát tại sông Gianh qua xã Châu Hóa, Văn Hóa, Tiến Hóa... quá gần đường sắt Bắc - Nam, uy hiếp hầm và đường sắt qua đây

Các mỏ cát tại sông Gianh qua xã Châu Hóa, Văn Hóa, Tiến Hóa... quá gần đường sắt Bắc - Nam, uy hiếp hầm và đường sắt qua đây

Còn ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian tới sẽ tham mưu sở lập đoàn kiểm tra, thanh tra các mỏ cát dọc sông Gianh. Việc khai thác ngoài giờ quy định là cát tặc, trách nhiệm thuộc về các địa phương quản lý địa bàn.

MINH PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mo-cat-day-dac-de-doa-song-gianh-post744192.html