Mở chương mới trong quan hệ Việt Nam-Thái Lan
Chuyến thăm của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra sắp tới không chỉ là dịp để hai nước tái khẳng định tăng cường hợp tác trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược mà còn cho thấy quyết tâm của lãnh đạo hai bên đưa quan hệ Việt Nam - Thái Lan lên một khuôn khổ hợp tác mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Vientiane (Lào), tháng 10/2024. (Ảnh: Nhật Bắc)
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976.
Là nhà lãnh đạo trẻ nhất và là nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử Thái Lan, chuyến thăm của bà Paetongtarn Shinawatra đánh dấu cho một kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai quốc gia năng động của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Thái Lan sau hơn một thập kỷ sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Prayut Chan-ocha năm 2014.
Kể từ khi bà Paetongtarn Shinawatra trở thành người đứng đầu Chính phủ Thái Lan tháng 8/2024, Thủ tướng hai nước đã có những cuộc tiếp xúc như Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm và chúc mừng tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra vào ngày 29/8/2024. Hai Thủ tướng cũng đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 10/2024 tại Lào. Hai bên kỳ vọng chuyến thăm tới đây của Thủ tướng Thái Lan sẽ là dấu mốc quan trọng khi hai nước cùng nhau đưa quan hệ Đối tác chiến lược lên một khuôn khổ hợp tác cao hơn. Dấu mốc quan trọng này sẽ mở ra cho hai nước không gian mới để phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn trong giai đoạn mới ở mỗi nước.
Nền tảng vững chắc
Trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ gần 50 năm qua, tuy có những giai đoạn thăng trầm, nhưng hai nước đã không ngừng cố gắng phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1976, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995.
Hai nước đã cùng nỗ lực làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược từ năm 2013 và Đối tác chiến lược tăng cường từ năm 2019. Năm 2023 cũng là năm mà Việt Nam - Thái Lan là hai quốc gia đầu tiên trong ASEAN thiết lập Đối tác chiến lược. Hai bên tiếp tục củng cố quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường và hiện đang tiếp tục triển khai các văn kiện hợp tác trong đó có Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027.
Hai bên duy trì và triển khai các kênh tiếp xúc đối ngoại cấp cao và các cấp. Gần đây về phía Thái Lan có chuyến thăm của Công chúa Maha Chakri Sirindhorn vào năm 2024, còn ở chiều ngược lại có chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Thái Lan vào năm 2023 nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Có thể nhận thấy, Việt Nam và Thái Lan duy trì mối quan hệ tốt đẹp và sự tin cậy chính trị cao giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Đây chính là nền tảng vững chắc, quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai bên ngày càng sâu sắc, tin cậy ở tất cả các cấp, trên tất cả các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, doanh nghiệp, địa phương và giao lưu nhân dân.
Về chính trị - đối ngoại, bên cạnh các trao đổi và tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, hai bên cũng duy trì các cơ chế hợp tác song phương quan trọng như: Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng (PCG), Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Thái Lan (JCBC), Ủy ban hỗn hợp về thương mại, Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng vv...
Trong chuyến thăm lần này, hai bên sẽ nối lại việc tổ chức họp Nội các chung (JCR) do Thủ tướng hai nước đồng chủ trì, lần gần đây nhất hai nước tổ chức họp Nội các chung vào năm 2015 nhân dịp Thủ tướng Việt Nam thăm chính thức Thái Lan. Đây là cơ chế hợp tác song phương hiếm có trên thế giới tại thời điểm hiện tại. Chuyến thăm sẽ là dịp để hai bên cùng đánh giá lại tiến trình thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian vừa qua, nhằm đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất trong kỷ nguyên hợp tác, phát triển sắp tới.
Chuyến thăm này cũng sẽ tái khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và tình hình thế giới có nhiều biến động. Hai bên tiếp tục nhấn mạnh quốc phòng, an ninh là một trong những trụ cột hợp tác quan trọng và cần tiếp tục phát huy các cơ chế hợp tác hiệu quả như Đối thoại chính sách quốc phòng, Đối thoại cấp cao về phòng, chống tội phạm và các vấn đề an ninh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cùng đại biểu cấp cao hai nước tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Vientiane (Lào), tháng 10/2024. (Nguồn: VGP)
Đẩy mạnh "Ba Kết nối”
Một trong những trụ cột hợp tác nổi trội nhất giữa hai nước trong thời gian qua là hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư. Theo đó, hợp tác kinh tế giữa hai nước duy trì đà tăng trưởng rất tích cực, là trụ cột và điểm sáng trong quan hệ song phương. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai Chiến lược "Ba Kết nối” mà lãnh đạo hai bên trước đó đã nhất trí, trong đó có việc sớm lập Nhóm công tác để trao đổi về nội hàm và kế hoạch cụ thể như các biện pháp nâng cao nhận thức về Chiến lược “Ba kết nối” trên cho các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người dân hai nước.
Trong nhiều năm trở lại đây, Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước đạt mức trung bình khoảng 20 tỷ USD. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Thái Lan đạt mức kỷ lục 21,6 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2021 (kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 19,5 tỷ USD). Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Thái Lan đạt xấp xỉ 19 tỷ USD. Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 20,2 tỷ USD. Hai nước kỳ vọng kim ngạch thương mại hai chiều sẽ sớm đạt mục tiêu 25 tỷ USD theo hướng bền vững và cân bằng hơn. Tuy vậy, hai bên cần tiếp tục trao đổi về việc mở rộng tiếp cận thị trường, giảm thiểu các rào cản thương mại để hàng hóa của mỗi nước có thể tiếp cận thị trường của nhau nhiều hơn, trong đó tiếp tục phối hợp để mở rộng tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm trái cây tươi theo hướng cân bằng hơn.
Về đầu tư, Thái Lan hiện có hơn 700 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 14,1 tỷ USD, đứng thứ 9/144 quốc gia có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN có đầu tư vào Việt Nam (sau Singapore). Chuyến thăm cũng là dịp để hai bên hoàn tất việc ký kết Thỏa thuận lao động mới nhằm tạo điều kiện cho lao động Việt Nam được làm trong các ngành nghề hợp pháp, qua đó cung cấp nguồn lao động dồi dào cho thị trường Thái Lan và mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phu nhân cùng Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa và Phu nhân tham quan khu di tích Hoàng thành Thăng Long, trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 24/2/2025. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
"Sáu quốc gia - một điểm đến"
Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về du lịch, đặc biệt là việc thúc đẩy kết nối hạ tầng cứng như đường không, đường bộ và đường sắt do hai nước đều có tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực du lịch. Cùng với việc các hãng hàng không hai nước mở thêm đường bay và mở rộng các kết nối đường bộ, hai bên kỳ vọng lượng khách du lịch hai chiều sẽ tăng mạnh trong thời gian tới đây.
Ngoài ra, hai bên tiếp tục xem xét khả năng triển khai hiệu quả các sáng kiến kết nối du lịch trong khu vực ASEAN nhằm thu hút khách du lịch đến từ bên ngoài khu vực và thúc đẩy cũng như thu hút khách du lịch đi lại giữa các nước, trong đó có sáng kiến “Sáu quốc gia - Một điểm” đến của Thái Lan.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Thái Lan tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức khu vực, từ căng thẳng địa chính trị đến những bất ổn kinh tế; ưu tiên hợp tác phát triển tiểu vùng tại khu vực Đông Nam Á lục địa, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982.
Trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển rất tích cực, dư địa hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, chuyến thăm từ ngày 15-16/5 của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra sẽ mở ra không gian mới cho hai nước để phát triển mạnh mẽ hơn, vì lợi ích chung của hai quốc gia cũng như tình hữu nghị của nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển ở khu vực.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mo-chuong-moi-trong-quan-he-viet-nam-thai-lan-314121.html