Mở cơ hội phát triển kinh tế cho người trồng rừng Đồng Xuân

Với tiềm lực về kinh tế rừng, huyện Đồng Xuân đã tiên phong tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, hướng dẫn người dân xây dựng chứng chỉ quản lý rừng PEFC. Đây là cơ hội để người trồng rừng nâng cao thu nhập theo hướng phát triển bền vững.

Người dân xã Phú Mỡ được hướng dẫn đo trữ lượng rừng. Ảnh: NGÔ NHẬT

Người dân xã Phú Mỡ được hướng dẫn đo trữ lượng rừng. Ảnh: NGÔ NHẬT

Tuyên truyền để người dân hiểu giá trị

Khi HTX Lâm nghiệp Minh Tuệ Phát (Bình Định) triển khai kế hoạch xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại huyện Đồng Xuân, ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân sắp xếp công việc đi cùng đoàn để tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ giá trị của việc liên kết phát triển rừng trồng và cấp chứng chỉ PEFC tại huyện Đồng Xuân.

Nhiều năm gắn bó với những cánh rừng, ông Háo hiểu rõ nếu triển khai thành công, người nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều lần so với cách trồng rừng và khai thác truyền thống như hiện nay. Theo nhận định của các chuyên gia lâm nghiệp, đây là cách làm mang giá trị bền vững và cũng là xu thế của nghề trồng rừng trong thời gian tới.

Tại một số địa phương, người dân được giải thích về các điều kiện để hộ gia đình tham gia chứng chỉ rừng. Theo đó, chủ rừng đang sở hữu đất rừng trồng sản xuất phải có giấy tờ hợp pháp về sử dụng đất (sổ đỏ, lâm bạ, hợp đồng khoán); diện tích đăng ký chưa tham gia vào chứng chỉ nào trước đây; tự nguyện tham gia vào chương trình liên kết hợp tác trồng rừng với doanh nghiệp, trên cơ sở hợp tác bình đẳng; cam kết tuân thủ các quy định của nhóm và tuân thủ các nguyên tắc về quản lý rừng bền vững.

Bên cạnh đó, chủ rừng phải tham gia đầy đủ các buổi tập huấn về lâm sinh, an toàn lao động, giám sát tác động môi trường - xã hội; thông báo kịp thời các hoạt động liên quan đến chứng chỉ rừng: khai thác, trồng rừng, làm đường, bảo vệ khe suối… cho quản lý nhóm.

Khi liên kết với doanh nghiệp, người dân được tài trợ toàn bộ kinh phí để khảo sát, thành lập, đánh giá chứng chỉ rừng và duy trì quản lý rừng bền vững; được tư vấn, tập huấn kỹ thuật về nâng cao kỹ thuật trồng, tỉa thưa, khai thác, cải tạo đất và chọn giống cây tốt để tăng năng suất cây trồng.

Người dân sẽ được ưu tiên thu mua toàn bộ nguyên liệu gỗ, phế phẩm gỗ (không bóc vỏ, cành nhỏ) từ rừng trồng sau khi khai thác với giá thu mua cao hơn giá bán thị trường tại cùng thời điểm. Ngoài ra, người dân sẽ được hỗ trợ thêm 2.000 cây giống/ha khi được cấp chứng chỉ rừng khai thác và bán gỗ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, người trồng sẽ được thu mua gỗ rừng bị gãy đổ do gió bão.

Ông Trần Quang Lượng (thôn Long Mỹ, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân) cho biết: “Tôi nhận thấy những giá trị của việc liên kết phát triển rừng trồng và cấp chứng chỉ PEFC nên đăng ký diện tích 4,24ha. Tôi mong rằng đây là cơ sở để nhiều người trồng rừng như tôi có cơ hội phát triển theo hướng bền vững và đạt các tiêu chí quan trọng về môi trường và thu nhập”.

Địa phương tạo điều kiện

Được sự chấp thuận của UBND huyện Đồng Xuân, HTX Lâm nghiệp Minh Tuệ Phát đã triển khai các bước và làm việc với người dân tại các xã Phú Mỡ, Xuân Sơn Bắc, Xuân Long, Xuân Sơn Nam. Doanh nghiệp sẽ triển khai thêm tại xã Xuân Quang 1 và Đa Lộc để đảm bảo đủ diện tích 4.000ha, theo kế hoạch đến tháng 5/2025 sẽ cấp chứng chỉ rừng PEFC cho chủ rừng, đồng thời hướng đến mục tiêu năm 2029 là 20.000ha.

Theo UBND huyện Đồng Xuân, HTX Lâm nghiệp Minh Tuệ Phát là đơn vị đầu mối cung cấp nguyên liệu gỗ và phế phẩm từ gỗ cho Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học rắn Phú Tài tại tỉnh Bình Định. Nhà máy thành lập tháng 10/2021 với công suất 350.000 tấn/năm. Đơn vị này đã và đang thực hiện được các hợp đồng cung cấp viên nén dài hạn với các đối tác tại thị trường châu Âu và Nhật Bản.

Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng của huyện Đồng Xuân, HTX Lâm nghiệp Minh Tuệ Phát cam kết sẽ thực hiện các bước theo đúng kế hoạch, đảm bảo mang về nguồn lợi tối đa cho người trồng rừng, đồng thời phát triển theo các tiêu chí bảo vệ môi trường.

Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “Liên kết phát triển rừng trồng và cấp chứng chỉ PEFC là hướng đi giá trị cho nghề trồng rừng của người dân miền núi, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế. Nếu thuận lợi, địa phương sẽ xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững tạo nguồn cung ổn định lâu dài, hợp pháp và ở vị trí gần nhà máy, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu trên địa bàn huyện Đồng Xuân”.

Ngoài việc thống nhất chủ trương, UBND huyện Đồng Xuân chỉ đạo UBND các xã tạo điều kiện thuận lợi để HTX Lâm nghiệp Minh Tuệ Phát tiếp cận, triển khai với các hộ dân có rừng để thực hiện việc liên kết phát triển rừng trồng có chứng chỉ PEFC trong thời gian đến. Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có rừng tham gia thực hiện chứng chỉ rừng theo từng thôn. HTX Lâm nghiệp Minh Tuệ Phát phải cam kết cụ thể, rõ ràng các điều khoản, chính sách hỗ trợ khi thực hiện phương án liên kết phát triển rừng trồng có chứng chỉ, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

NGÔ NHẬT

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/322111/mo-co-hoi-phat-trien-kinh-te-cho-nguoi-trong-rung-dong-xuan.html