Mở đường cho 'lúa'

Thực hiện sản xuất lúa theo Đề án 'Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030' (Đề án), bà con nông dân xã viên Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) vô cùng phấn khởi vì thu nhập tăng khoảng 4-6 triệu đồng/ha so với cùng diện tích lúa (ở địa phương) canh tác theo phương thức truyền thống.

Sự thành công của mô hình khiến người nông dân không còn những e ngại, “bán tín bán nghi” về năng suất, chất lượng khi được tuyên truyền, vận động thực hiện phương thức sản xuất lúa mới của Đề án. ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á, là vùng sản xuất, vựa lúa lớn nhất Việt Nam. Theo thống kê, trung bình sản lượng lúa sản xuất tại vùng ĐBSCL hằng năm chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và xuất khẩu trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng, nhiều năm nay, thu nhập của người nông dân còn khá thấp khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

Kết quả của Đề án đánh dấu sự đổi mới về tư duy-mở đường cho “lúa” qua phương thức sản xuất mới, với nhiều ưu điểm: Tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); giảm chi phí nhân công lao động; hạn chế rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa tạo ra nông sản có hàm lượng dinh dưỡng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh phục vụ tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Ảnh minh họa / Vietnam+

Ảnh minh họa / Vietnam+

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà khoa học, Đề án mới chỉ đáp ứng được một phần cho lời giải bài toán phát triển vững bền cho vựa lúa ĐBSCL; dù chất lượng tốt, năng suất tăng, nhưng vấn đề quan trọng đặt ra là phải xây dựng thị trường lúa, gạo có văn hóa, có uy tín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Chính vì vậy, để phát huy tối đa hiệu quả của Đề án, rất cần sự đồng hành, đoàn kết, trách nhiệm của người nông dân với doanh nghiệp và sự chung sức, tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương trong nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nhãn hiệu thành thương hiệu; phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng sự liên kết chuỗi giá trị sản xuất-tiêu thụ lúa gạo bền vững...

Thành công của Đề án góp phần củng cố vững chắc uy tín và thương hiệu của các mặt hàng nông sản thế mạnh của từng vùng, miền trong toàn quốc ở thị trường trong nước và quốc tế, giúp người nông dân làm giàu, gắn bó với đồng ruộng quê hương.

VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/mo-duong-cho-lua-791962