Mở đường cho mô hình làm việc minh bạch, gần dân, nghe dân

HNN.VN - Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được Quốc hội thảo luận là một bước đột phá thể chế. Tư tưởng xuyên suốt là chuyển từ 'chính quyền phân tầng' sang 'chính quyền gắn kết chức năng'; chuyển từ 'phân bổ quyền lực theo địa giới' sang 'trao quyền theo năng lực và nhu cầu thực tiễn'.

Nội dung của dự thảo luật là bước chuyển từ quản lý hành chính sang quản trị hiện đại. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố kiểm tra công tác số hóa tại các trung tâm hành chính công

Nội dung của dự thảo luật là bước chuyển từ quản lý hành chính sang quản trị hiện đại. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố kiểm tra công tác số hóa tại các trung tâm hành chính công

Đây không chỉ là một sự điều chỉnh kỹ thuật, mà là bước chuyển hệ thống, từ chính quyền ba cấp sang mô hình hai cấp, từ quản lý hành chính sang quản trị hiện đại.

Tái thiết bộ máy từ cơ sở

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, phiên thảo luận tại hội trường, đã bày tỏ quan điểm về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, trong bối cảnh không tổ chức cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển giao cho cấp xã đảm nhận, cộng với việc sắp xếp, mở rộng quy mô đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã khiến cho khối lượng công việc của chính quyền địa phương cấp xã sẽ tăng lên rất nhiều.

Đây là một sự thay đổi lớn trong khi năng lực tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự đồng đều, cần có thời gian. Do đó, cần chính quyền địa phương cấp tỉnh phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và có giải pháp kịp thời để hỗ trợ, xử lý trong trường hợp chính quyền ở một số hoặc một số ĐVHC cấp xã không đủ khả năng thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này là cơ hội không thể bỏ lỡ để kiến tạo lại hệ thống hành chính. Nó không chỉ ảnh hưởng đến bộ máy nhà nước mà còn định hình mối quan hệ giữa chính quyền và người dân trong nhiều thập niên tới.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) phát biểu: “Trên thực tế có 2 xã giáp nhau, thuộc địa giới của 2 ĐVHC cấp tỉnh, có những vấn đề liên quan đến nhau như khói bụi bay từ xã này sang xã kia, kè sông xã này gây sạt lở bờ sông xã kia, nếu những vụ việc như thế phải đẩy lên các cơ quan, các cấp cao hơn để giải quyết theo quy định của dự thảo luật, sẽ rất phức tạp, tốn kém về thời gian, phải huy động nhiều cơ quan tổ chức tham gia, trong khi những việc này chính quyền hai xã, hai tỉnh có thể giải quyết được”.

 Khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, năng lực cán bộ cần được nâng cao

Khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, năng lực cán bộ cần được nâng cao

Giao quyền nhưng không buông lỏng

Tại dự thảo luật, mỗi nội dung tổ chức bộ máy đều phải đặt trên nền tảng có lợi cho dân, phục vụ dân tốt hơn, và đảm bảo quyền dân chủ, quyền giám sát của Nhân dân.

Thực tiễn ở Huế, tiếng nói của cử tri, ý kiến của luật sư, của HĐND thành phố, tất cả cho thấy: Con đường cải cách là đúng, nhưng cần đi bằng bước vững chắc từ luật pháp rõ ràng và bằng niềm tin của người dân.

Tại một buổi góp ý về dự thảo luật này được Đoàn ĐBQH thành phố tổ chức, ông Hà Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huế nói rằng, bộ máy hiện nay đang đông nhưng chưa hiệu quả, một phần vì cấp cơ sở chưa được trao đủ thẩm quyền. Người dân vẫn phải chạy lên huyện, lên tỉnh để làm những việc đáng ra xã, phường có thể giải quyết. Việc tổ chức lại chính quyền cần gắn với thực tế quản lý, chuyển từ tổ chức theo địa giới sang tổ chức theo khối chức năng, theo không gian phát triển.

Một trong những điểm sáng của dự thảo luật lần này là làm rõ nguyên tắc phân cấp, phân quyền, trao thêm thẩm quyền cho chính quyền cấp xã. Tư tưởng quản trị mới đang hình thành, không phải “trên làm dưới chờ”, mà là “giao việc, giao quyền, giao trách nhiệm”.

Ông Tuấn cũng nêu quan điểm rất rõ, khi phân cấp quyền thì phải “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng đông người mà không ai chịu trách nhiệm cụ thể. Ngoài ra, muốn trao quyền cho xã/phường, trước hết phải nâng cao chất lượng cán bộ. Không thể để tình trạng giao quyền mà cán bộ không biết làm gì. Cần đào tạo, đãi ngộ hợp lý, có kiểm tra đánh giá thường xuyên thì mới mong vận hành trơn tru.

Cử tri hy vọng luật mới sẽ giúp chính quyền làm việc minh bạch, gần dân, nghe dân

Cử tri hy vọng luật mới sẽ giúp chính quyền làm việc minh bạch, gần dân, nghe dân

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Huế Nguyễn Văn Phước nhận định: “Việc sửa luật lần này là bước đi rất cần thiết để phù hợp với yêu cầu phát triển. Đặc biệt, tăng cường phân cấp cho cấp xã sẽ giúp đưa ra các quyết định sát thực tế, gần dân hơn, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý. Nhưng song song với đó, phải có cơ chế giám sát thật chặt chẽ, tránh tình trạng lạm quyền, tham nhũng ở cơ sở”.

Bài học từ thực tiễn không thiếu. Khi chính quyền cơ sở được “mở rộng quyền lực” nhưng thiếu cơ chế kiểm soát đi kèm, dễ dẫn đến hiện tượng “cát cứ địa phương”, lạm quyền, thậm chí tham nhũng vặt lan rộng. Vậy nên, sửa luật không chỉ là “trao quyền” mà còn là “thiết lập hàng rào”, để quyền lực phục vụ dân chứ không phục vụ nhóm lợi ích.

Muốn hiểu rõ tác động của cải cách bộ máy, không ai tốt hơn chính là người dân ở cơ sở. Ông Nguyễn Văn Hùng, cử tri phường An Đông, quận Thuận Hóa chia sẻ: “Trao thêm quyền cho xã là hợp lý vì họ hiểu dân nhất; chỉ mong cán bộ cấp xã có năng lực và trách nhiệm để giải quyết nhanh, đừng để cứ phải “trên trả xuống dưới” rồi lại vòng lại dân chờ mãi không xong”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Châu, người dân phường Đông Ba (quận Phú Xuân) thì mong muốn thiết thực hơn: “Tôi hy vọng luật mới sẽ giúp chính quyền làm việc minh bạch, gần dân, nghe dân; phải có kênh phản ánh, giám sát để dân có tiếng nói; chứ cứ họp rồi báo cáo xong là xong thì khác nào một chiều?”.

Những kỳ vọng ấy không phải là đòi hỏi cao xa. Đó là những nhu cầu tối thiểu trong một xã hội dân chủ, pháp quyền, được phục vụ hiệu quả, được lên tiếng và được giám sát người có quyền.

Dự thảo Luật sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận không chỉ là chuyện “cải tiến tổ chức”, mà là một bước đột phá thể chế. Tư tưởng xuyên suốt là chuyển từ “chính quyền phân tầng” sang “chính quyền gắn kết chức năng”; chuyển từ “phân bổ quyền lực theo địa giới” sang “trao quyền theo năng lực và nhu cầu thực tiễn”.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 7 chương, 54 điều, cơ bản kế thừa nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc phân định thẩm quyền của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã; sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền địa phương; về hiệu lực thi hành và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/mo-duong-cho-mo-hinh-lam-viec-minh-bach-gan-dan-nghe-dan-153803.html