Những vấn đề đặt ra trong sửa chữa, vận hành các hồ thủy lợi

Sau mùa mưa lũ năm 2024, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn. Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương cùng ngành nông nghiệp và môi trường trong công tác sửa chữa, đến nay, hầu hết hồ thủy lợi đã vận hành trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hồ thủy lợi bị hỏng nặng hoặc bồi lắng phải dừng hoạt động để sửa chữa lớn. Cùng với đó, việc kiểm định để xác định mức độ an toàn hồ, đập đang gặp khó khăn do thiếu kinh phí, đặt ra những lo ngại khi mùa mưa lũ cận kề.

Theo thống kê, sau hoàn lưu bão số 3, năm 2024, toàn tỉnh có 107 công trình hồ thủy lợi bị ảnh hưởng với nhiều mức độ khác nhau (Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý 10 công trình hồ chứa; UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý 13 công trình đập, hồ chứa; các hồ chứa còn lại do UBND cấp xã quản lý).

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Trưởng Phòng Quản lý công trình thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Ngay từ cuối năm 2024, đơn vị đã phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá toàn bộ hệ thống hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh bố trí nguồn lực tổ chức sửa chữa. Theo đó, tỉnh đã đầu tư gần 250 tỷ đồng để ngành nông nghiệp cùng các địa phương sửa chữa, phục hồi hệ thống hồ thủy lợi. Đến nay, toàn tỉnh có 98 hồ thủy lợi đã được duy tu, sửa chữa và đang vận hành bình thường, trong đó, 78 hồ đạt dung tích chứa từ 90 - 100%, 20 hồ có dung tích từ trên 50 - 90%.

Trên địa bàn tỉnh vẫn còn 9 hồ thủy lợi bị hỏng, xuống cấp không còn khả năng vận hành đang được triển khai sửa chữa (Bảo Yên 4 hồ, Mường Khương 3 hồ, Bắc Hà 1 hồ, Si Ma Cai 1 hồ không còn khả năng chứa nước). Trong số này có 2 hồ hỏng đập hoàn toàn (hồ Khuổi Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên và hồ Hóa Chư Phùng, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai)

- ông Nguyễn Quang Ngọc, Trưởng Phòng Quản lý công trình thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai.

Bảo Yên có hệ thống hồ thủy lợi khá nhiều (16 hồ), trong đó có một số hồ chứa được xây dựng trên 30 năm, hiện bờ đập, cống - tràn xả lũ đã xuống cấp, hỏng một số hạng mục như cống lấy nước, tràn xả lũ…, một số đập bị thấm nước. Đặc biệt, sau trận mưa lũ lịch sử tháng 9/2024, trên địa bàn huyện đã có 4 hồ bị hỏng nặng.

Dẫn chúng tôi đi khảo sát hồ Khuổi Rịa, ông Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô lo lắng chia sẻ: Trận lũ lịch sử tháng 9/2024 đã khiến đập của hồ bị cuốn trôi. Do khối lượng sửa chữa rất lớn nên đến nay, công tác lập phương án khắc phục vẫn chưa xong. Hiện, hơn 20 ha lúa xuân của xã đang phải phụ thuộc nước mưa và lấy từ công trình khác về tưới tiêu. Người dân trong xã mong muốn huyện sớm đẩy nhanh việc sửa chữa hồ Khuổi Rịa để ổn định nguồn nước phục vụ sản xuất.

Theo ông Trần Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên: Hiện nay, hầu hết hồ thủy lợi trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng tính bền vững chưa cao. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn hồ, đập còn nhiều vấn đề đặt ra do kinh phí hạn chế nên chưa lắp đặt các thiết bị quan trắc, kiểm định an toàn hồ, đập, chưa xây dựng được bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du để có phương án phòng, chống khi có sự cố xảy ra. Thời gian tới, huyện đề nghị tỉnh, trung ương quan tâm đầu tư nguồn lực, hỗ trợ thiết bị phục vụ công tác cải tạo, sửa chữa các hồ thủy lợi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những bất cập lớn hiện nay là nhiều công trình hồ thủy lợi trên địa bàn chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý để quản lý. Có tới 33 hồ thủy lợi được xây dựng từ trước những năm 1980, không lưu hồ sơ hoàn công, bản vẽ thiết kế; không có quy trình vận hành và phương án ứng phó thiên tai được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, điều hành xả lũ… mà còn làm hạn chế khả năng huy động nguồn vốn trung ương và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Công Huy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Lào Cai là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, thời tiết diễn biến khó lường, thường xuyên hứng chịu mưa lớn, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, hệ thống hồ chứa thủy lợi đóng vai trò then chốt trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành hệ thống hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn đang đối mặt với nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thời gian tới, sở sẽ tăng cường tham mưu với tỉnh triển khai nhiều giải pháp sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa bị hỏng, yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định về vận hành và bảo vệ công trình hồ thủy lợi theo quy định, đồng thời đảm bảo tích nước đủ phục vụ sản xuất.

Hệ thống hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều bất cập chưa đáp ứng tưới tiêu bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, nguy cơ mất an toàn đập, hồ chứa đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản người dân vùng hạ du. Nếu không có giải pháp sửa chữa, gia cố, vận hành đồng bộ và kịp thời, những hồ thủy lợi có thể trở thành “quả bom nước” gây nguy hiểm cho nhiều thôn, bản dưới hạ du, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lũ bất thường như hiện nay.

Trình bày: Nguyễn Hoàng

Tùng Lâm

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhung-van-de-dat-ra-trong-sua-chua-van-hanh-cac-ho-thuy-loi-post402109.html