Mở đường, xây cầu cho vùng quê phát triển

Mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) được quan tâm đầu tư, ngày càng trải rộng giúp kết nối vùng sâu, vùng xa, nông thôn, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các vùng. Phát triển GTNT là nền tảng quan trọng để phát triển KT-XH ở những vùng quê.

Làng quê đổi thay diện mạo

Tuyến đường Ông Đồ Nghị nối thị trấn Tân Trụ với xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An dài 2km, được mệnh danh là con đường nông thôn đẹp nhất miền Tây. Tuyến đường được chính quyền và người dân địa phương tôn tạo mặt đường bêtông vào năm 2008. Đến năm 2013, người dân tiếp tục hiến đất, mở rộng mặt đường và trồng hơn 300 gốc cau vua. Tuyến đường này ngoài phục vụ đi lại còn mang đến "luồng gió" phát triển mới. “Những năm qua, đường Ông Đồ Nghị trở thành điểm đến tham quan, du lịch, chụp ảnh của giới nghệ sĩ và nhiều khách trong và ngoài tỉnh. Cứ mỗi lần rảo bước trên con đường quê đẹp như tranh vẽ, rợp bóng mát này, tôi lại cảm thấy lòng nhẹ nhàng, thoải mái vô cùng” - bà Nguyễn Thị Lan, người dân sống gần đó, phấn khởi nói.

Một tuyến đường giao thông sạch, đẹp ở huyện Tân Trụ

Một tuyến đường giao thông sạch, đẹp ở huyện Tân Trụ

Về xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, chúng tôi nhìn thấy những ánh mắt rạng ngời, nụ cười tươi của người dân khi bước đi trên những con đường quê. Người dân vẫn thường gọi vui, đó là những con đường quê “hạnh phúc”. Anh Lê Văn Tiến chia sẻ, đường được đầu tư, phương tiện qua lại đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều tuyến đường được trồng cây hoàng yến trổ hoa vàng rực rỡ.

Tuyến đường về biên giới Giồng Két kết nối từ trung tâm huyện Đức Huệ ra biên giới Campuchia, qua địa phận thị trấn Đông Thành và các xã: Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Bình được huyện Đức Huệ đầu tư bêtông hóa toàn tuyến với chiều dài 13,2km (mặt đường rộng 5m, dày 16cm) với tổng kinh phí 22,6 tỉ đồng. Ở tuyến đường này, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang kêu gọi, vận động mạnh thường quân, nhà tài trợ hỗ trợ 16 tỉ đồng xây dựng 10 cây cầu GTNT, 10 cống ngang đường và 2.000 tấn xi măng làm đường bêtông.

Bà Lê Thị Năm, đã ngoài 60 tuổi, kể: Hồi trước, bị ngăn cách bởi những cây cầu gỗ tạm bợ nên đi lại rất ngán ngại, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, học sinh đi học cũng khó khăn. Mấy năm nay, từ khi tuyến đường được đầu tư, làng xóm hai bên bờ kênh gần nhau hơn. Cầu, đường giao thông nối nhịp đôi bờ, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống người dân. Có cầu, đường đi lại dễ dàng, tin rằng vùng sâu này sẽ khác, cuộc sống của con, cháu ngày càng tốt hơn.

Trong đầu tư, phát triển GTNT, ngoài nguồn vốn nhà nước, tỉnh còn huy động nhiều nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", phong trào hiến đất làm đường thật sự lan tỏa. Bên cạnh đó, từ chương trình xây dựng cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động, hàng trăm cây cầu, cống bêtông cốt thép được xây dựng khắp các địa bàn vùng sâu, khó khăn, biên giới của tỉnh, thay thế những cây cầu khỉ, gỗ tạm bợ, xiêu vẹo, thiếu an toàn.

Vui mừng khi thấy những nhịp cầu, con đường mới, ông Nguyễn Văn Thắng - người con Long An sống xa quê, trong một lần trở về quê hương đã hoài niệm về quá khứ: “Chỉ cách đây 10 năm, hệ thống cầu, đường nông thôn vẫn còn khó khăn. Cầu, đường nối nhịp đôi bờ, "nối tình, cột nghĩa", khơi nguồn phát triển... Tôi hiểu, người dân luôn mong đợi những cây cầu, tuyến đường. Và mong mỏi đó giờ đây đã trở thành sự thật, tạo ra diện mạo mới, động lực cho sự phát triển của những vùng quê”.

Người dân đồng thuận

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tích cực tham gia của toàn xã hội, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được tập trung đầu tư, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển. Thời gian gần đây, nhiều địa phương ban hành nghị quyết (NQ) về GTNT để tập trung thực hiện, tạo sự đột phá. Như huyện Tân Trụ, đến nay đã thực hiện gần 350 công trình GTNT với tổng chiều dài gần 200km, kinh phí gần 100 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 50 tỉ đồng và hàng chục ngàn mét vuông đất cũng như nhiều ngày công lao động. Toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được bảo đảm theo chuẩn nông thôn mới với 59,8/59,8km đường trục xã được cứng hóa, đạt 100%; 166,6/166,6km đường trục ấp, liên ấp được bêtông hóa, đạt 100%; 73,1/73,1km đường ngõ xóm được bêtông hóa, đạt 100%; 31,9/31,9km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đạt 100%.

Để tạo sự bứt phá hơn nữa, huyện ban hành NQ số 22 về tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường GTNT giai đoạn 2021-2025. “Huyện phấn đấu năm 2023, mỗi xã, thị trấn có 20% tuyến đường được mở rộng, nâng cấp với mặt đường bêtông rộng từ 5m trở lên (so với các tuyến bêtông hiện có) và năm 2025 nâng lên 40%” - Quyền Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung cho biết.

Cầu bêtông cốt thép được đầu tư thay thế cầu tạm

Cầu bêtông cốt thép được đầu tư thay thế cầu tạm

Tại huyện Thủ Thừa, ngày 29/12/2015, huyện ban hành NQ số 03 về huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT. Thực hiện NQ này cho thấy, khi ý Đảng, lòng dân hòa quyện thì khó khăn đến đâu cũng được tháo gỡ, giải quyết. Từ năm 2015-2020, toàn huyện thực hiện 182 danh mục công trình đường GTNT với tổng vốn hơn 203 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Quân cho biết: Qua thực hiện NQ số 03 ở giai đoạn 2015-2020, huyện thực hiện được gần 84km đường bêtông (đạt gần 177% so với chỉ tiêu NQ); hơn 134km đường cấp phối đá (đạt gần 234% so với chỉ tiêu NQ); 83 cầu bêtông (đạt hơn 533% so với chỉ tiêu NQ). Trong thực hiện đường GTNT, người dân tại địa phương cùng các đơn vị tài trợ tích cực góp tiền, hiến đất, ngày công lao động, trị giá hơn 41 tỉ đồng.

Đầu tư phát triển GTNT theo tinh thần NQ số 03, từ năm 2021 đến hết tháng 8/2022, UBND huyện Thủ Thừa tiếp tục làm chủ đầu tư, thực hiện 8 công trình đường giao thông, 6 công trình cầu, 2 công trình cống với tổng vốn gần 252 tỉ đồng. Các xã làm chủ đầu tư 31 công trình đường bêtông, 6 công trình đường nhựa, 22 công trình đường cấp phối đá, 9 công trình cầu bêtông cốt thép và 1 công trình cầu khung thép với nguồn vốn thực hiện gần 50 tỉ đồng. Với sự đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ, có tập trung như trên, hệ thống GTNT ở huyện Thủ Thừa ngày càng đồng bộ, mở ra nhiều cơ hội, động lực phát triển mới.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung, để thực hiện các kế hoạch, mục tiêu đầu tư, phát triển GTNT, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung quán triệt và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thông tin sâu, rộng đến cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng, mục đích của việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong thực hiện các công trình, quan tâm thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra"./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mo-duong-xay-cau-cho-vung-que-phat-trien-a144081.html