Mô hình bộ máy mới của Tổng cục Thuế được đề xuất ra sao?
Ngành Thuế thực hiện sắp xếp mô hình mới theo hướng không còn tổ chức các chức năng độc lập mà chuyển sang xây dựng các bộ phận quản lý, hỗ trợ người nộp thuế theo các lĩnh vực như: dầu khí, năng lượng, than, khoáng sản, điện...
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, để thực hiện nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Triển khai sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy ngành thuế để xây dựng và trình báo cáo Bộ về Đề án mô hình tổ chức bộ máy mới của ngành Thuế để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo đó, Tổng cục Thuế đã thiết kế và xây dựng tổ chức bộ máy mới theo hướng hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; với phương châm “Lấy người nộp thuế là trung tâm phục vụ”.
Đồng thời, việc xây dựng tổ chức bộ máy của ngành Thuế cũng đảm bảo các nguyên tắc theo chủ trương của Đảng, Chính phủ gồm: Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra trong thời kỳ mới.
Dựa trên mục tiêu yêu cầu và các nguyên tắc nêu trên, mô hình bộ máy mới của Tổng cục Thuế tiếp tục thực hiện theo 03 cấp và theo hệ thống dọc với mô hình quản lý tập trung, nhưng đã chuyển đổi từ mô hình “quản lý thuế theo chức năng, kết hợp với đối tượng” sang mô hình “quản lý theo đối tượng, kết hợp quản lý theo chức năng”.
Trước đây, đặc trưng của mô hình “quản lý thuế theo chức năng, kết hợp với đối tượng” là lấy 04 chức năng làm gốc (kê khai; tuyên truyền hỗ trợ; quản lý nợ; thanh tra kiểm tra) trong từng chức năng sẽ phân chia ra các khâu, các nhóm quản lý theo đối tượng.
Để triển khai sắp xếp mô hình quản lý theo đúng chủ trương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, ngành Thuế thực hiện sắp xếp mô hình mới theo hướng không còn tổ chức các chức năng độc lập mà chuyển sang xây dựng các bộ phận quản lý, hỗ trợ người nộp thuế theo các lĩnh vực như: dầu khí, năng lượng, than, khoáng sản, điện...
Theo đó, mỗi công chức quản lý từng đối tượng quản lý sẽ thực hiện hỗ trợ người nộp thuế đầy đủ các chức năng từ đăng ký thuế; kê khai thuế; quản lý nợ thuế, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc chính sách thuế, quản lý thuế...
Từ mục tiêu, yêu cầu và các nguyên tắc xây dựng mô hình tổ chức bộ máy nêu trên, Tổng cục Thuế đã thống nhất trình báo cáo Bộ Tài chính cho phép ngành Thuế được tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất, gồm: Cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực, Đội thuế liên huyện.
Một điểm mới được đề xuất quy định, đó là việc phân cấp quản lý và bổ sung quy định về con dấu riêng đối với Đội Quản lý các khoản thu từ đất tại TP Hà Nội, TP.HCM, Đội Quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chi cục Thuế khu vực.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho cơ quan thuế sau khi sáp nhập được tổ chức thành khu vực bao gồm nhiều tỉnh, thành phố và quận, huyện thị xã trong cùng một khu vực quản lý có thể giải quyết nhanh, kịp thời các thủ tục về thuế cho người nộp thuế trong khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan thuế, cũng như để đảm bảo tính pháp lý đối với các văn bản hành chính có khối lượng hồ sơ giải quyết các thủ tục về thuế rất lớn và nhiều…
Theo ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đổi mới mô hình tổ chức bộ máy của cơ quan thuế là yêu cầu tất yếu trong quá trình cải cách, hiện đại hóa ngành thuế theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh nền kinh tế số và sự thay đổi nhanh chóng của mô hình kinh doanh, cơ quan thuế cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.