Mô hình công ty trong HTX: Nhìn từ câu chuyện thành công của các HTX ở Ba Vì

Việc thành lập công ty trong hợp tác xã (HTX) đang được nhiều HTX áp dụng, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, vừa đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật HTX năm 2023.

Sau thành công của Hội nghị ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam lần thứ 13 và Lễ tôn vinh sản phẩm tiêu biểu HTX và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất năm 2024, ngày 12/12, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX Hà Nội tổ chức đoàn đại biểu, HTX thuộc các tỉnh thành phố đến thăm quan mô hình sản xuất của HTX Thảo dược dân tộc Dao Phượng Huệ (Ba Vì, Hà Nội).

Thành công từ mô hình công ty trong HTX

Đến thăm HTX mới thấy sự quy mô, bài bản trong hoạt động sản xuất và đầu tư của một mô hình kinh tế tập thể. Trong suy nghĩ của nhiều người, một HTX chuyên về thảo dược chỉ hoạt động đơn thuần với việc thu hái thảo dược tự nhiên và chế biến, sản xuất những bài thuốc bằng phương thức truyền thống đơn thuần, thô sơ. Thế nhưng, tại HTX Phương Huệ, ngoài kết nối tiêu thụ thảo dược cho 2.000 người dân tộc Dao ở Ba Vì, HTX đã đầu tư khu sản xuất thuốc nam lên đến 40 tỷ đồng với nhiều máy móc hiện đại nhằm sản xuất ra nhiều sản phẩm khác nhau theo quy trình khép kín. Khu vực sản xuất cũng đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn của bộ Y tế.

Đến nay, HTX Phượng Huệ đã có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, 4 sản phẩm đã đăng ký của Bộ Y tế nên khẳng định được chất lượng và đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường. HTX cũng có đầu ra thuận lợi khi có các đối tác ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn.

Chị Lý Thị Bích Huệ, Giám đốc HTX Phượng Huệ giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm từ dược liệu.

Chị Lý Thị Bích Huệ, Giám đốc HTX Phượng Huệ giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm từ dược liệu.

Một điều đặc biệt là thành lập vào năm 2017 nhưng đến năm 2018, HTX Phượng Huệ đã thành lập Công ty cổ phần Phượng Huệ nằm trong HTX. Chị Lý Thị Bích Huệ, Giám đốc HTX Phượng Huệ, cho biết việc thành lập công ty trong HTX là điều kiện thuận lợi giúp HTX có thể kêu gọi có nguồn vốn khác nhau để đầu tư thêm thiết bị hiện đại đạt chuẩn để sản xuất dược liệu. Đây cũng là cơ sở để HTX tiếp tục mở rộng để thành lập tổ hợp nhà hàng bản Dao giúp mang về doanh thu mỗi năm 3 tỷ đồng, và giúp thu nhập của người lao động dao động ở mức 6-7 triệu đồng/tháng.

Một HTX khác cũng không thể không nhắc tới trong câu chuyện này là HTX Nông nghiệp Tổng hợp chăn nuôi và Thương mại Khánh Phát (Ba Vì, Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc HTX cho biết, HTX thành lập 2016 với vai trò sản xuất và thu gom sữa bán cho công ty lớn. Thời điểm đó, HTX gặp không ít trắc trở, đó là giá sữa chỉ có 5-6 nghìn đồng/lít nên việc đầu tư cho sản xuất sữa vô cùng khó khăn. Đặc biệt, công đoạn hoàn thiện giấy tờ về chất lượng thời điểm đó lên đến 6 tháng nên sản phẩm của HTX rơi vào cảnh trôi nổi, thu không đủ chi.

Phải sang giai đoạn 2018-2021, thì những khó khăn, trắc trở của HTX mới phần nào được giảm bớt khi HTX quyết tâm xây dựng thương hiệu OCOP, sản phẩm của HTX bắt đầu được nhiều người biết tới và đặt hàng. Ngoài ra thành công cũng đến từ việc HTX tách thành nhiều mảng như chuyên sản xuất sữa, chuyên thu mua sữa đồng thời thành lập công ty cổ phần sữa Ba Vì.

Ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc HTX cho biết việc thành lập công ty trong HTX giúp việc sản xuất, phát triển thị trường và đầu tư máy móc tốt hơn. Ngành sản xuất sữa hiện khá ổn định với vài chục công nhân làm việc. Mảng thu gom sữa cũng liên kết với 100 hộ bán sữa cho HTX. Đồng thời HTX nhập thêm sữa ở một số trạm để bán cho các công ty.

Khi hai mảng sản xuất và thu mua sữa ổn định, HTX đã có những điều kiện thuận lợi nhất định để mở rộng đầu tư sang mảng sản xuất giò chả. Đặc biệt, từ nay đến Tết Ất Tỵ, HTX sẽ đầu tư mạnh vào thực phẩm vì nhu cầu thị trường lớn.

Khẳng định hướng đi đúng đắn

Có thể thấy, hai mô hình HTX này hoạt động hiệu quả và phát triển rất mạnh mẽ, có khả năng mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo thời gian để tăng doanh thu và tạo thêm nhiều việc làm cho thành viên, người lao động tại địa phương. Ngay như HTX Khánh Phát ngoài liên kết với hơn 100 hộ để thu mua sữa, HTX cũng giúp tạo việc làm cho 40-50 lao động với mức lương 5-10 triệu đồng/tháng.

Và khi có kế hoạch hoạt động, phương hướng đầu tư cộng với những kết quả cụ thể, những HTX này đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Liên minh HTX thành phố, Liên minh HTX Việt Nam và các ban ngành trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Chị Lý Thị Bích Huệ cho biết, HTX đã được UBND xã và huyện tạo điều kiện trong quá trình trồng dược liệu và chế biến. Đây cũng là cơ sở để HTX dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ lưu trú, kêu gọi nhiều nguồn vốn.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Linh tham quan mô hình sản xuất sữa khép kín của HTX Khánh Phát.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Linh tham quan mô hình sản xuất sữa khép kín của HTX Khánh Phát.

Hay HTX Khánh Phát cũng đã được Liên minh HTX TP Hà Nội tạo điều kiện trong xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ để mở rộng đầu ra và cơ hội liên kết hợp tác trong tiêu thụ.

Bà Phạm Tố Oanh, Trưởng ban Chính sách và Phát triển HTX - Liên minh HTX Việt Nam cho biết, việc các HTX thành lập công ty trong HTX là một hướng đi đúng đắn khi Luật HTX 2023 đi vào thực tiễn từ tháng 7 vừa qua đã có quy định cụ thể về nội dung này. Thành lập công ty trong HTX giúp hỗ trợ hoạt động sản xuất, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX một cách thuận lợi hơn.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT hiện có khoảng 2.300 doanh nghiệp được thành lập trong các HTX. Nếu việc sản xuất, tiêu thụ, kêu gọi vốn… của HTX đơn thuần gặp khó khăn thì thành lập doanh nghiệp sẽ giúp HTX sẽ giải quyết được những vấn đề này. Khi thành lập doanh nghiệp trong HTX cũng sẽ giải quyết được bài toán về quy mô nhỏ của mô hình HTX.

Nhìn rộng hơn, hiện rất nhiều người đã và đang dùng sữa thương hiệu Cô gái Hà Lan nhưng không biết rằng mô hình này ban đầu chỉ khởi điểm từ việc liên kết 9 nông hộ dân chăn nuôi bò sữa ở Hà Lan thành HTX, sau đó thành lập doanh nghiệp nằm trong HTX để phát triển thương hiệu sữa Cô Gái Hà Lan thu hút 20.000 nông dân tham gia, cung cấp ra thị trường 30.000 tấn sữa mỗi ngày. Tiền lợi nhuận từ mô hình này sẽ được quay về phục vụ chính những người nông dân nuôi bò ở Hà Lan và cũng là thành viên của HTX.

Như vậy, việc các HTX ở Việt Nam thành lập công ty trong HTX là hướng đi đúng đắn phù hợp với kinh nghiệp và thực tiễn phát triển HTX ở nhiều nước hiện nay.

Theo bà Phạm Tố Oanh, việc thành lập doanh nghiệp cũng sẽ là cơ sở để HTX mở rộng thành viên, đặc biệt là thành viên liên kết để mở rộng sản xuất kinh doanh. Như HTX sản xuất dược liệu Phượng Huệ có thể tiếp tục phát triển các thành viên liên kết thực theo Luật HTX 2023 để mở rộng sản xuất, giải quyết bài toán đầu ra trước tình trạng nhiều loài dược liệu đã đưa vào bảo tồn, không đủ phục vụ chế biến.

Huyền Trang-Phạm Hòa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/mo-hinh-cong-ty-trong-htx-nhin-tu-cau-chuyen-thanh-cong-cua-cac-htx-o-ba-vi-1104158.html