Mô hình đào tạo giáo viên A+B: Vào ngành A, có thể ra ngành B
Đầu những năm 2000, mô hình đào tạo giáo viên trong các trường ĐH đa ngành ở nước ngoài bắt đầu được giới thiệu và du nhập vào Việt Nam. Mô hình này tạm gọi là mô hình 'tiếp nối A+B'.
Ngày 9/1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội thảo khoa học mô hình đào tạo giáo viên A+B. Hội thảo do Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, tiểu ban giáo dục đại học tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá; trong đó đội ngũ giáo viên, giảng viên là yếu tố then chốt và có vai trò quan trọng. Có một số mô hình đào tạo giáo viên, điều này không chỉ liên quan đến chất lượng đào tạo, mà còn liên quan đến quy hoạch các cơ sở sở đào tạo giáo viên.
Theo Thứ trưởng, GD-ĐT đang trong quá trình đổi mới và đã có được những kết quả rất đáng ghi nhận. Theo đó, các cơ sở đào tạo giáo viên cũng cần đổi mới chương trình đào tạo, với các mô hình mới nhằm bắt nhịp với xu thế, nhất là hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, cũng cần nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ số tác động mạnh quá trình dạy – học như thế nào.
Khẳng định, trong công cuộc đổi mới GD-ĐT, việc đổi mới đào tạo giáo viên là một trong những yêu cầu quan trọng, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, với sứ mệnh của mình, ĐH Quốc gia Hà Nội tiên phong các mô hình và các loại hình đào tạo; từ đó có tổng kết, đánh giá để có những đóng góp cho ngành Giáo dục nói riêng và đất nước nói chung.
“ĐH Quốc gia Hà Nội tin tưởng vào những triết lý đào tạo và mô hình của mình. Với ưu thế của đại học đa ngành, chúng tôi đã thí điểm mô hình đào tạo giáo viên A + B” - PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết, đồng thời nhấn mạnh: Đây là mô hình tiêu biểu cần có nghiên cứu đánh giá tổng kết và nhân rộng những ưu thế của mình hình này.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Theo PGS.TS Phù Chí Hòa – Trường ĐH Đà Lạt, mô hình đào tạo giáo viên kiểu “tiếp nối” trong các trường ĐH đa ngành ở nước ngoài du nhập vào Việt Nam có đặc trưng là “vào ngành a, có thể ra ngành b”.
Trong các trường ĐH đa ngành, sinh viên được đào tạo ở các khoa sư phạm muốn được cấp bằng cử nhân sư phạm cần phải học và tích lũy đủ tín chỉ về các môn toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn ở các ngành chuyên môn. Đồng thời, cũng có đủ tín chỉ về các khoa học giáo dục và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.
Mô hình đào tạo này được thúc đẩy theo hướng học xong cử nhân một ngành, rồi học về khoa học giáo dục. Sinh viên có hiểu biết căn bản về kiến thức chuyên ngành, đồng thời cũng được trang bị các kĩ năng nghiệp vụ phù hợp.
Với mô hình đào tạo kiểu “tiếp nối”, việc tuyển dụng thêm giáo viên có thể nhanh chóng được đáp ứng khi các sinh viên hoàn thành các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, thực hành nghề sư phạm và được công nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền. Các giáo viên có thể chuyển đổi nghề nghiệp do họ đã được trang bị kiến thức nền tảng từ các ngành khoa học khác khi học theo mô hình “tiếp nối”.
"Theo mô hình này, các trường đại học có thể đào tạo song bằng cử nhân khoa học và cử nhân sư phạm hay phối hợp đào tạo thẳng lên thạc sĩ giáo dục, giải quyết vấn đề nâng chuẩn đào tạo của giáo viên phổ thông trong tương lai. Việc chọn mô hình đào tạo giáo viên theo kiểu “tiếp nối” trong bối cảnh nhân lực ngành sư phạm luôn biến động là cần thiết" - PGS.TS Phù Chí Hòa.