Mô hình điểm trường MN lấy trẻ làm trung tâm gợi hướng phát triển
Tham quan tại một số cơ sở GD Mầm non (MN) thực hiện mô hình điểm Chuyên đề của Tp Hồ Chí Minh, ghi nhận tính thực tế của chuyên đề.
Trong khuôn khổ Hội thảo Đánh giá, sơ kết thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021- 2025, ngày 11/7 đại biểu các địa phương và Ban Phụ nữ Quân đội đã đến 4 trường mầm non để tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm.
Chất lượng là then chốt
Là một trong những thành phố có số lượng cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) lớn trong cả nước, Tp Hồ Chí Minh với quy mô 1.287 trường, (trong đó: công lập 467, ngoài công lập 820) và 1.736 cơ sở GDMN độc lập. Qua một số biện pháp chỉ đạo phát triển chương trình GDMN; đội ngũ CBQL và GV đã có sự thay đổi trong việc đầu tư có trọng tâm về CSVC, quan tâm ứng dụng công nghệ số.
Để phát triển Chương trình GDMN hiệu quả, điều kiện CSVC của các đơn vị phải được đầu tư đồng bộ từ trường đến các nhóm lớp độc lập đáp ứng yêu cầu phát triển chương trình; đội ngũ CBQL, GV phải thay đổi về quan điểm: môi trường giáo dục trẻ không phải là khái niệm trang trí mà là nơi trẻ được hoạt động, được trải nghiệm và do trẻ thực hiện; đánh giá trẻ thông qua quan sát và theo dõi quá trình hoạt động của trẻ...
Đối với các cơ sở GDMN độc lập có khó khăn về CSVC, Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo, xây dựng thiết kế môi trường giáo dục tạo nhiều không gian cho trẻ được hoạt động trải nghiệm tích cực bằng các nguyên vật liệu đơn giản, chú ý đến môi trường ngoài lớp, tận dụng các điều kiện của thiên nhiên để trẻ được tăng cường vận động nhằm phát triển thể lực cho trẻ.
Chất lượng GDMN Thành phố ngày càng được xã hội tin tưởng và có tính lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng; thực hiện phát triển chương trình không chỉ là nhiệm vụ của CBQL, GV mà còn có sự đồng hành tham gia của gia đình và xã hội, tạo sự thống nhất để cùng quan tâm thực hiện “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Thực tế sinh động
Trước xu thế đổi mới trong giáo dục, việc vận dụng phương pháp tiên tiến là điều kiện rất cần thiết đối với GDMN. Với sự đa dạng của các cơ sở GDMN trong thực hiện chương trình; các đơn vị đã tích cực nghiên cứu học hỏi tham khảo tài liệu; Sở GDĐT nhận thấy nhu cầu mang tính cấp thiết trong đổi mới và ứng dụng từ năm học 2021-2022 đã phối hợp với các đơn vị tổ chức cho đội ngũ CBQL, GV tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến như Reggio, Montessori, Steam….
Mỗi phương pháp có những điểm mạnh riêng trong việc hỗ trợ thực hiện chương trình GDMN. Đối với việc ứng dụng Stem được các cơ sở quan tâm đặc biệt trong bối cảnh phát triển xã hội với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới ngày càng trở nên số hóa. Trong tương lai, ngày càng nhiều ngành nghề mới ra đời đòi hỏi người học cần phải có tư duy máy tính, phát triển các năng lực số…
Các đại biểu đều có chung nhận định, Tp Hồ Chí Minh đã thành công với phương pháp tiếp cận và ứng dụng Stem, chuyên sâu sử dụng ứng dụng Robotic giúp trẻ hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề, năng lực công nghệ số. Đây chính là năng lực cần thiết cho những công dân tí hon sẵn sàng phát triển và hình thành năng lực công dân số toàn cầu trong tương lai.
Chương trình giúp các cơ sở GDMN có thêm một hướng phát triển chương trình giáo dục nhà trường mang tính hiện đại, đón đầu; các giáo viên đánh giá cao hệ thống hoạt động STEM sáng tạo, thân thiện và các đồ dùng hữu ích trong hoạt động khám phá khoa học; về phía phụ huynh có phản hồi tích cực vì trẻ có cơ hội được trải nghiệm và phát triển tư duy khoa học máy tính ngay từ nhỏ, theo cách phù hợp với khả năng của trẻ và rất hấp dẫn đối với trẻ.
Trang thiết bị hiện đại và đa dạng; thiết kế phòng học thông minh, đồ dùng đồ chơi hiện đại, bộ lắp ráp chuyển động, bộ phát triển vận động thông minh, Ifun, Ipad, Laptop, máy chiếu, màn hình thông minh với nhiều tính năng giúp trẻ được khám phá, trải nghiệm... Cùng với việc khuyến khích giáo viên lựa chọn các phần mềm như: PowerPoint, Google Meets, kahoot, capcut, Quizziz, Canava, Viva Video… để thiết kế tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú thu hút trẻ vui chơi, học tập, theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm.