Mô hình 'Gia đình nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thời hạn': Kết nối yêu thương, sẻ chia hạnh phúc
Mô hình 'Gia đình nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thời hạn' đã giúp nhiều trẻ em tìm được mái ấm, có thêm điều kiện để phát triển và hòa nhập cộng đồng.
Mồ côi cha mẹ từ sớm, em Hà Quốc Thưởng, sinh năm 2009, thôn Khòn Duông - Phiêng Phúc, xã Liên Hội, huyện Văn Quan được anh trai ruột là Hà Văn Thương (sinh năm 1997) chăm sóc, nuôi dưỡng. Vừa qua, em Thưởng được lựa chọn tham gia thí điểm mô hình trên địa bàn huyện Văn Quan và được nhận kinh phí hỗ trợ vào cuối tháng 6/2024.
Chia sẻ với chúng tôi, em Thưởng cho biết: Bố mẹ mất sớm nên anh trai em phải nhận các công việc gần nhà, ai thuê gì làm nấy để có tiền lo cho em ăn học, cuộc sống vô cùng khó khăn. Nay được hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng, mua sắm đồ dùng cá nhân giúp em có điều kiện để học tập tốt hơn cũng như vơi bớt gánh nặng cho anh trai em.
Không chỉ hoàn cảnh của em Thưởng, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình “Gia đình nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thời hạn” tại các huyện: Đình Lập, Hữu Lũng, Chi Lăng, Bình Gia, Tràng Định, Bắc Sơn, Văn Quan với 130 gia đình và 130 trẻ em tham gia. Hiện, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nuôi dưỡng, trợ giúp, hưởng các chính sách hỗ trợ xã hội.
Được biết toàn tỉnh hiện có trên 196.000 trẻ em, chiếm 24,3% dân số của tỉnh, trong đó có trên 2.600 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, gần 1.700 trẻ em dưới 16 tuổi bị khuyết tật và gần 33.500 trẻ sống trong gia đình nghèo, cận nghèo. Mô hình “Gia đình nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thời hạn” được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2017, nằm trong Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lô Tiến Vinh, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để triển khai thực hiện mô hình, chúng tôi đã khảo sát, lập danh sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của các em cũng như năng lực về điều kiện kinh tế, sức khỏe, kinh nghiệm chăm sóc trẻ… của các gia đình tham gia mô hình, trong đó ưu tiên những gia đình là người thân quen, họ hàng để trẻ tránh bị sốc tâm lý khi sống trong môi trường mới. Qua mô hình nhằm giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh, đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu về học tập, phát triển về thể chất, tinh thần.
Đối tượng tham gia mô hình là những thân nhân, họ hàng hoặc người thay thế khác nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi không còn bố, mẹ hoặc bố, mẹ không thể hoặc không phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong thời gian thực hiện mô hình, người nhận nuôi dưỡng trẻ được hỗ trợ kinh phí gồm: tiền nuôi dưỡng hằng tháng đối với trẻ em, hỗ trợ một lần mua sắm đồ dùng cá nhân cho trẻ (700.000 đồng/trẻ) và hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng hằng tháng đối với người chăm sóc (540.000 đồng/tháng).
Được biết, việc bảo vệ, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và có sự giám sát của nhân viên công tác xã hội.
Bà Dương Thị Ngọc Nguyên, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội – Dân tộc huyện Bắc Sơn cho biết: Toàn huyện hiện có trên 17.600 trẻ em, trong đó có 191 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 2023, toàn huyện có 20 trẻ có hoàn cảnh khó khăn được các gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng. Để việc nhận nuôi dưỡng đạt hiệu quả, cán bộ làm công tác trẻ em ở các xã đã thường xuyên theo sát, nắm bắt hoàn cảnh các gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ để có thể hỗ trợ họ khi cần thiết cũng như tư vấn cho trẻ và gia đình những kiến thức, kỹ năng, giúp trẻ được đáp ứng nhu cầu về thể chất và tinh thần.
Thông qua mô hình trên giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật, từng bước thu hẹp khoảng cách mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.