Mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, các huyện vùng cao, biên giới tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia mô hình sản xuất theo chuỗi đã nâng cao thu nhập, đời sống cải thiện nhiều mặt, từ đó khuyến khích nhân dân ngày càng tích cực tham gia các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.
Các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ thu hoạch dứa.
Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị là nội dung Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 là Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đây là một trong 10 Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2023.
Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa của việc triển khai hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị rất thiết thực, cần thiết với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, ngay khi triển khai chương trình, Ban Chỉ đạo các huyện đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời công khai việc phân nguồn, phân cấp thực hiện nội dung từng dự án. Do đó, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình, các huyện trong toàn tỉnh Điện Biên đã thực hiện 62 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với 4.318 người tham gia; 99 dự án phát triển sản xuất cộng đồng với 2.015 người tham gia. Tổng số vốn đã giải ngân hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và dự án phát triển sản xuất cộng đồng là 134,829 tỷ đồng, so với tổng vốn Trung ương giao đạt 27,34%.
Tại huyện biên giới Nậm Pồ, trong năm 2023 đã có 33 dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai với tổng số 689 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Trong đó có 3 dự án liên kết theo chuỗi giá trị gồm: dự án trồng cam tại xã Nậm Tin; trồng dứa ở xã Nậm Chua và trồng cây sa nhân ở xã Nậm Nhừ; các dự án này thu hút 68 hộ tham gia. 30 dự án hỗ trợ cộng đồng có 621 hộ tham gia, cụ thể: Tại các bản xã Nà Bủng người dân tham gia trồng bí xanh, trồng quế, mắc-ca; ở xã Vàng Đán trồng mít; ở xã Nà Hỳ trồng mít, trồng quế, trồng khoai tây; ở xã Nậm Chua trồng mít; ở xã Nậm Nhừ trồng quế; ở xã Si Pa Phìn trồng chanh leo, khoai tây... Điển hình cho nhóm các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi cho thấy hiệu quả rõ rệt về hiệu quả kinh tế là dự án trồng dứa ở xã Nậm Chua.
Ông Thào A Khai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Chua, cho biết: Sau hơn một năm triển khai, dự án liên kết sản xuất dứa tại xã đem lại hiệu quả nhiều mặt. Dự án giúp người dân trong xã nâng cao thu nhập, thay đổi thói quen sản xuất truyền thống là độc canh cây lúa trên nương và quan trọng là dự án giúp người dân hướng tới sản xuất nông nghiệp làm hàng hóa để nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Là một trong số các gia đình tham gia dự án liên kết sản xuất theo chuỗi ở Nậm Chua, ông Hoàng A Chính, bản Nậm Chua 4, cho biết: Chỉ với hơn 1ha trồng dứa song năm nay gia đình tôi ước thu hơn 150 triệu đồng. So với trồng ngô, trồng lúa thì cây dứa cho nguồn thu lớn hơn nhiều.
Cũng như gia đình anh Chính, cùng xã Nậm Chua có 20 gia đình ở bản Nậm Chua 4, Huổi Cơ Mông đều trồng giống dứa Queen (hay còn gọi là dứa hoàng hậu). Toàn bộ cây dứa giống đều được hỗ trợ từ Dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ Dứa hữu cơ do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai. Ngoài cây giống, các hộ trồng dứa còn được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây. Nhờ đó, các gia đình rất yên tâm thực hiện mô hình theo dự án.
Tại Điện Biên Đông - huyện có hơn 95,5% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy, việc triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi huyện đều lựa chọn các cây trồng thế mạnh của địa phương, như: bí xanh Tìa Dình, nếp tan Luân Giói, mắc-ca tại xã Pú Nhi.
Ông Phạm Quang Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông, cho biết: Trong năm 2023, Trung tâm đã thực hiện 2 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (nếp tan, bí xanh); năm 2024 thực hiện dự án liên kết sản xuất mắc-ca. Đây đều là các dự án thuộc Tiểu dự án 2 trong Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Các dự án này khi triển khai đều nhận được sự đồng thuận của nhân dân, bước đầu đạt hiệu quả tích cực.
Ông Vì Văn Toản, ở bản Na Ngua, xã Luân Giói, cho biết: Tham gia mô hình hỗ trợ sản xuất trồng nếp tan tại địa phương, gia đình tôi được hỗ trợ kĩ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây do vậy năng suất lúa đạt 65 tạ/ha trong khi sản xuất truyền thống chỉ đạt từ 10-15 tạ/ha; chất lượng gạo cũng tốt hơn so với phương thức gieo trồng truyền thống do vậy một ha lúa tham gia mô hình cho thu lợi nhuận hơn 40 triệu đồng.
Từ kinh nghiệm, kết quả bước đầu các huyện đạt được trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian tới, Ban chỉ đạo tỉnh Điện Biên xác định sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, bao quát, thống nhất các nội dung; nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình trên địa bàn; Tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp, hỗ trợ các địa phương rà soát, xác định, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, nhiệm vụ của chương trình; kịp thời hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để hoàn thành các mục tiêu.
Quá trình triển khai Chương trình, Điện Biên chú trọng công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đối tượng, địa bàn để người dân nắm bắt kịp thời về ý nghĩa, mục đích, sự cần thiết của chương trình. Có như vậy người dân mới trở thành những nhân tố tích cực tham gia góp sức vào việc thực hiện chương trình, dự án, từ đó khơi dậy ý thức, sự chủ động, tích cực tham gia quản lý, thực hiện các dự án của người dân ngay từ cơ sở.