Mô hình khởi nghiệp từ phế phẩm cây bồn bồn ở Cà Mau

Rõ ràng, ở nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Tại nhiều địa phương đang thực hiện tốt việc này. Ở Cà Mau, bồn bồn là loại cây khá nổi tiếng. Người trồng chủ yếu thu hoạch phần thân non dùng trong chế biến các món ăn.

Tận dụng các phế phẩm từ lá, thân bồn bồn bỏ đi, người dân nơi đây đã làm đồ thủ công, mỹ nghệ rất đẹp mắt. Không chỉ giúp tăng thêm thu nhập mà còn giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường từ phế phẩm của loại cây này.

Huyện Cái Nước là địa phương có diện tích trồng cây bồn bồn lớn nhất tỉnh Cà Mau với khoảng 100 héc ta. Thông thường người trồng bồn bồn chỉ thu hoạch phần thân non để làm thực phẩm, các phần còn lại đều bỏ đi. Tận dụng phế phẩm này, nhiều phụ nữ nơi đây đã làm thành những chiếc túi xách, rất đẹp mắt.

Người có ý tưởng độc đáo này là chị Phạm Thị Hồng Nguyên ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Theo chị Nguyên, bồn bồn là loại cây đặc sản nhưng chỉ sử dụng phần thân non thì lãng phí. Qua tìm tòi, nghiên cứu học tập nhiều nơi, chị đã làm ra mặt hàng thủ công, mỹ nghệ với chất liệu từ cây bồn bồn.

Theo chị Hồng Nguyên, để làm ra một chiếc túi xách từ phế phẩm cây bồn bồn thì lá bồn bồn phải được phơi vừa đủ nắng, đảm bảo đủ độ dai nhưng phải sáng màu khi đan lên mới đẹp mắt. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều chị em phụ nữ ở địa phương tìm đến học nghề và tự làm để có thêm thu nhập.

Mặc dù mới xuất bán gần đây nhưng lượng khách ngày càng tăng lên do sản phẩm làm bằng thủ công, chất liệu thân thiện với môi trường nên được người sử dụng cảm thấy thích thú. Qua đó, không chỉ tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ mà còn phát triển sản phẩm xanh, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Thực hiện : Chí Điển Công Tràng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ca-mau-mo-hinh-khoi-nghiep-tu-phe-pham-cay-bon-bon