Mô hình kinh tế mẫu ở vùng khó

Theo đánh giá của ông Hồ Văn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa, anh Hồ Văn Lău, ở thôn Cu Ty là một hội viên nông dân tiêu biểu trong làm kinh tế. Anh đã biết cách khai thác tiềm năng, lợi thế ở thôn áp dụng vào sản xuất một cách hiệu quả. Đặc biệt, là người năng động, sáng tạo trong việc áp dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp của gia đình, góp phần đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Mô hình kinh tế của gia đình anh xứng đáng là mô hình mẫu để nông dân trong xã học hỏi và làm theo.

Anh Lău (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây cao su hiệu quả - Ảnh: M.L

Anh Lău (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây cao su hiệu quả - Ảnh: M.L

Hơn 10 năm trước, mặc dù làm việc vất vả nhưng vẫn đói nghèo, thiếu thốn quanh năm nên anh Lău đã suy nghĩ và tìm cách thay đổi sản xuất. Sau khi tham khảo một số mô hình kinh tế ở vùng Lìa, dựa vào đất đai sẵn có, anh quyết định đầu tư trồng 2 ha cao su. Thời gian đầu, do chưa nắm quy trình, kỹ thuật chăm sóc nên anh gặp rất nhiều khó khăn.

Không nản chí, anh tìm tòi, học hỏi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt do hội nông dân xã tổ chức với quyết tâm giữ và chăm sóc thật tốt diện tích cao su đã trồng. Trời không phụ lòng người, vài năm sau cao su đã cho thu hoạch mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh. Riêng năm 2023, cao su được giá, tổng thu nhập cả năm từ cao su gần 200 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh lãi gần 100 triệu đồng. Mới đây, anh tiếp tục đầu tư mở rộng trồng thêm 4 ha cao su. Đến nay, gia đình anh là một trong những hộ nông dân có diện tích cao su lớn nhất xã Hướng Lộc.

Không chỉ trồng cao su, gia đình anh Lău tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả cao với 2 ha sắn, 2 ha chuối. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng trọt, các loại cây trồng đều phát triển tốt, cho thu hoạch với sản lượng, chất lượng cao, mang lại nguồn thu ổn định. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình anh ngày càng cải thiện, anh đã xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học đầy đủ. Từ hộ nghèo của xã, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Năm 2019, anh Lău mạnh dạn đầu tư một chiếc máy cày trị giá 500 triệu đồng vừa phục vụ việc sản xuất của gia đình, vừa phục vụ người dân trong xã có nhu cầu. Việc anh chủ động áp dụng cơ giới vào sản xuất không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Nhờ chăm chỉ lao động, tổng thu nhập của gia đình anh hiện đạt hơn 200 triệu đồng/năm. “Sắp đến, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, trồng thêm nhiều loại cây trồng mới, phù hợp, hiệu quả để kinh tế gia đình ngày càng vững chắc hơn”, anh Lău cho biết.

Không chỉ chăm lo làm giàu, phát triển kinh tế, anh Lău còn giúp đỡ người dân trong thôn, xã có hoàn cảnh khó khăn bằng cách hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật trồng trọt; thường xuyên vận động bà con tích cực lao động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình.

“Để địa phương có nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi như anh Lău, thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tham mưu, đề xuất các cấp, các ngành liên quan hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi giúp cho hội viên nông dân có điều kiện mở rộng mô hình phát triển kinh tế.

Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi để nông dân được trang bị đầy đủ kiến thức, áp dụng vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả. Qua đó, giúp họ có thêm động lực đầu tư phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững”, ông Hồ Văn Bảy cho biết thêm.

Minh Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/mo-hinh-kinh-te-mau-o-vung-kho-187114.htm