Mô hình làm ăn mới của phụ nữ xã Thanh

Thời gian gần đây, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Thanh, huyện Hướng Hóa đã giúp chị em ở địa phương có việc làm mới, phù hợp từ mô hình chuối sấy dẻo. Bước đầu mô hình này giúp cho các chị có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

 Tổ sản xuất chuối sấy dẻo phụ nữ xã Thanh bên sản phẩm của mình. Ảnh: KKS

Tổ sản xuất chuối sấy dẻo phụ nữ xã Thanh bên sản phẩm của mình. Ảnh: KKS

Những năm qua, chuối là một trong những cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo ở xã Thanh nói riêng và các xã vùng Lìa nói chung. Nhận thấy lợi thế có vùng nguyên liệu dồi dào, Hội LHPN xã Thanh đã xây dựng ý tưởng thành lập tổ sản xuất chuối sấy dẻo. Qua đề xuất và được dự án Plan đồng ý hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị sấy chuối (máy hút chân không và máy sấy chuối trị giá hơn 30 triệu đồng), đầu tháng 9/2019 hội đã vận động 5 chị em là cán bộ, hội viên phụ nữ ở xã tham gia thực hiện mô hình này. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, trước mắt tổ sản xuất chuối sấy dẻo chung vốn, thu mua chuối quả tươi của các thành viên trong tổ, tập trung tại địa điểm sản xuất là nhà chị Hồ Thị Tê, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh.

Để có được vị chuối sấy dẻo thơm ngon, các chị chọn những quả chuối tròn to, đủ già và dú cho chín muồi. Chuối sau khi lột vỏ, các chị rửa qua nước muối và xếp vào các khay rồi cho vào máy sấy ngay sau khi sơ chế. Sau thời gian 15 - 20 giờ, khi chuối sấy lên mật, dẻo, thơm và ngọt, các chị tiến hành đóng gói chân không để tăng thời gian bảo quản. Trung bình mỗi mẻ sấy, các chị sử dụng khoảng 40 - 50 kg chuối chín, thu được khoảng 25 - 30 kg chuối khô. Nhờ sấy dẻo bằng công nghệ hiện đại nên vừa tiết kiệm thời gian và nhiên liệu, vừa cho ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. Vừa sản xuất, tổ sản xuất chuối sấy dẻo xã Thanh vừa tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình bằng cách đến từng quán tạp hóa trong và ngoài xã để đặt vấn đề bỏ hàng giá sĩ, rao bán trên facebook cá nhân. Giá mỗi cân chuối thành phẩm được các chị bán 80 nghìn đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, sản phẩm này của chị em đã được nhiều người ưa chuộng và đặt hàng.

Chị Hồ Thị Tê cho biết: “Hình thức làm ăn của tổ sản xuất chuối sấy dẻo của chúng tôi là góp vốn, sau khi chi trả tiền điện, dụng cụ sản xuất thì lãi chia đều. Các chị tham gia tổ sản xuất ai cũng nhanh nhạy, tiếp cận với công việc nhanh. Dù mới thực hiện được một số mẻ chuối sấy dẻo đầu tay nhưng chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi khá tích cực từ phía khách hàng. Nhiều người sau khi sử dụng còn tiếp tục đặt hàng của chúng tôi để ăn hoặc làm quà biếu cho người thân, bạn bè”.

Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thanh bấy lâu chỉ quen với việc lao động trên nương rẫy hoặc quẩn quanh chuyện con cái, bếp núc, nay Hội LHPN xã giúp tham gia tổ sản xuất bài bản tuy bỡ ngỡ tiếp cận những tiến bộ khoa học kĩ thuật nhưng các chị rất vui vì có được việc làm phù hợp, góp sức cùng chồng phát triển kinh tế gia đình. Chị Hồ Thị Xinh, thành viên tổ sản xuất chuối sấy dẻo phụ nữ xã Thanh chia sẻ: “Trước đây ngoài lên rẫy chăm sóc, thu hoạch chuối thì thời gian rảnh rỗi của tôi khá nhiều. Từ ngày được tham gia tổ sản xuất chuối sấy dẻo ở xã, tôi thấy rất vui vì vừa có thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình vừa có điều kiện học hỏi kinh nghiệm làm ăn cùng chị em. Chúng tôi luôn động viên nhau khắc phục khó khăn để cùng làm ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng”.

Có thể nói tổ sản xuất chuối sấy dẻo của phụ nữ xã Thanh là mô hình làm ăn mới ở vùng khó, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như giúp chị em tiếp cận với việc sản xuất, kinh doanh, phù hợp với khả năng của mình. Chị Hồ Thị Tê cho biết thêm: “Qua gần 3 tháng sản xuất thử nghiệm, bước đầu chúng tôi thành công với sản phẩm chuối sấy dẻo. Hiện sản phẩm này không chỉ có mặt ở trên địa bàn huyện mà còn được các khách hàng trong tỉnh và Hà Nội biết đến đặt mua. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ đặt in nhãn mác cho sản phẩm. Tiếp tục cập nhật, phổ biến kiến thức về công nghệ chế biến sản phẩm chuối sấy dẻo cho các thành viên trong tổ sản xuất. Quảng bá, giới thiệu để sản phẩm chuối sấy dẻo của xã có chỗ đứng trên thị trường. Sau khi thu hoạch, người dân xã Thanh thường bán chuối quả tươi, tuy nhiên không phải lúc nào giá cả cũng thuận lợi hoặc thương lái thu mua không hết chuối nên phải để chuối quá ngày dẫn đến bị hỏng. Vì thế, hội phấn đấu mở rộng sản xuất để giúp người dân phần nào giải quyết đầu ra cho sản phẩm; tạo thêm việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn”.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145248