Mô hình làm giàu từ sa nhân tím ở Sản Chúng
Ðến thôn Sản Chúng, xã Sín Chéng (Si Ma Cai), tôi không khỏi bất ngờ trước hiệu quả của mô hình trồng sa nhân tím của người dân nơi đây. Trên các sườn đồi, dọc theo con đường lớn vào thôn được người dân phủ xanh bằng cây sa nhân tím.
Chỉ tay về phía những vạt đồi xanh tốt, ông Giàng Sình Cùi, Trưởng thôn Sản Chúng cho biết: Thôn có 124 hộ thì khoảng 100 hộ trồng sa nhân tím. Có hộ trồng ít, hộ trồng nhiều nhưng hầu hết mong phát triển kinh tế bằng loại cây này.
Cũng theo ông Cùi, người dân thôn Sản Chúng bắt đầu trồng sa nhân tím từ năm 2017. Thấy sa nhân tím hợp đất, hợp nước lớn lên xanh tốt, không mất quá nhiều công chăm sóc nhưng vẫn cho năng suất cao, tư thương đến tận nơi thu mua nên những năm sau, nhiều hộ trong thôn bảo nhau mua giống về trồng.
Gia đình ông Giàng A Vư ở thôn Sản Chúng là hộ trồng nhiều sa nhân tím nhất, với hơn 1.000 gốc. Năm 2019 mới là năm thứ 2 cho thu hoạch nhưng đồi sa nhân tím của gia đình ông Vư đã cho năng suất khá cao, đạt hơn 100 kg quả và khoảng 50 nghìn cây giống. Với giá bán khoảng 120 nghìn đồng/kg và 10 nghìn đồng/cây giống, đồi sa nhân tím đem về nguồn thu khoảng 200 triệu đồng, giúp gia đình ông trở thành hộ giàu trong thôn.
Ông Giàng A Vư cho biết: Trước đây chúng tôi chỉ biết làm ruộng, trồng ngô, nhà nào nhanh nhạy hơn thì trồng quế, mỡ để phát triển kinh tế rừng. Từ ngày chuyển sang trồng sa nhân tím, tôi thấy đỡ vất vả hơn mà cho thu nhập khá tốt.
Cây sa nhân chỉ 1 năm sau khi trồng đã ra quả và cho thu hoạch, đến mùa, có thương lái đến tận nơi thu mua nên ông Vư huy động gia đình các con cùng mở rộng diện tích trồng sa nhân tím. Đến nay, cả 2 gia đình con trai ông đều trồng sa nhân tím.
Nói về kinh nghiệm trồng sa nhân tím, anh Giàng A Lầu, thôn Sản Chúng - con trai ông Giàng A Vư - cho biết: Trồng sa nhân tím chỉ khó lúc mới trồng nên người trồng cần mua được giống tốt, mầm khỏe, khi trồng thì chịu khó làm cỏ, tỉa những cây khô héo, nhặt lá rụng quanh gốc cây… để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng và phát triển. Quan trọng nhất là phải đảm bảo sa nhân tím được trồng dưới tán cây, không quá nắng nhưng vẫn phải đủ ánh sáng.
Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó tìm tòi, học hỏi, gia đình ông Giàng A Vư cũng như nhiều hộ ở thôn Sản Chúng đã tạo ra những đổi thay cho vùng đất vốn còn nhiều khó khăn này. Đặc biệt, số hộ nghèo trong thôn giảm từ 12 hộ (năm 2017) xuống còn 8 hộ (tính đến hết quý I/2020).
Tuy nhiên, ông Giàng Sình Cùi, Trưởng thôn Sản Chúng vẫn không khỏi băn khoăn: Tới thời điểm này, có thể khẳng định sa nhân tím đã giúp nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhưng chúng tôi vẫn lo lắng vì hiện tại đầu ra của sản phẩm đều do các thương lái thu mua và xuất bán sang Trung Quốc, chưa có doanh nghiệp trong nước thu mua. Điều này khiến người dân luôn phấp phỏng.
Ông Cư Seo Chúng, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chéng cho biết: Hiện tại, diện tích sa nhân tím của xã chủ yếu được trồng tại thôn Sản Chúng. Cây trồng này đang cho hiệu quả kinh tế rất cao. Xã vẫn tuyên truyền người dân tìm hiểu thị trường, không mở rộng diện tích ồ ạt để tránh rủi ro, đồng thời phối hợp với các ban, ngành và tổ chức liên quan hỗ trợ người dân tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cây sa nhân tím để bà con yên tâm.