Mô hình 'Làng, bản văn hóa - quốc phòng' góp phần thúc đẩy xây dựng NTM ở địa bàn đặc biệt khó khăn
LTS: Đề án xây dựng mô hình 'Làng, bản văn hóa - quốc phòng (VH-QP)' ở địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trong khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh được Bộ CHQS tỉnh triển khai từ năm 2009. Hơn 10 năm qua, hiệu quả của đề án đã được khẳng định, đó là một trong những đóng góp tích cực của LLVT tỉnh trong sự phát triển của các xã ĐBKK; đồng thời, tạo thêm động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện đề án quan trọng này, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Triệu Kim Thắng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh.
P.V: Xin đồng chí cho biết, tại sao Bộ CHQS tỉnh lựa chọn triển khai đề án tại các địa bàn ĐBKK trong KVPT của tỉnh?
Thượng tá Triệu Kim Thắng: Qua nắm bắt tình hình thực tế, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh nhận thấy nhiều nơi trên địa bàn tỉnh còn rất khó khăn. Từ cơ sở hạ tầng, điều kiện phát triển kinh tế, đến các mặt của đời sống xã hội, tư duy của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chung. Trong khi đó, các địa bàn ĐBKK thường giữ vai trò quan trọng về QP-AN, đòi hỏi cần có sự đầu tư, hỗ trợ, tiếp sức để trở thành KVPT vững mạnh toàn diện của tỉnh.
Chính vì thế, năm 2009, Bộ CHQS tỉnh bắt đầu triển khai Đề án xây dựng mô hình "Làng, bản VH-QP” ở địa bàn ĐBKK trong KVPT của tỉnh giai đoạn 2009 - 2014. Sau 5 năm, đề án đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân các địa bàn trực tiếp thực hiện. Trong những năm tiếp theo, đề án tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy xây dựng NTM tại các địa bàn ĐBKK. Qua đó, tăng cường tiềm lực quốc phòng tại cơ sở, củng cố KVPT vững chắc trong tình hình mới.
P.V: Qua hơn 10 năm thực hiện, đồng chí đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được?
Thượng tá Triệu Kim Thắng: Đề án xác định 4 mục tiêu chủ yếu là: giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng "làng, bản ấm no, không còn nghèo đói”. Xây dựng môi trường làng, bản "sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh”. Xây dựng đời sống văn hóa "gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền”. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động QP-AN toàn dân vững mạnh.
Bám sát mục tiêu, 10 năm qua, nhiều hoạt động đã được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Thực hiện mục tiêu hàng đầu là giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng "làng, bản ấm no, không còn đói nghèo”, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tư vấn về khuyến nông, khuyến lâm; ứng dụng KHKT vào sản xuất; thâm canh, xen canh tăng vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi..., góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, khơi dậy tính sáng tạo, cần cù, chịu khó của người dân.
Bên cạnh đó, bằng những việc làm cụ thể, lực lượng dân quân trực tiếp tham gia cùng người dân quy hoạch vườn rừng, cải tạo vườn tạp, xây dựng chuồng trại, hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Bằng cách tạo sự chuyển biến từ tư duy đến hành động cho người dân, cách tiếp cận của đề án đã tạo ra những thay đổi cả về chất và lượng tại các làng, bản VH-QP (có nơi triển khai thành mô hình làng, bản VH - QP, AN). Chính sự thay đổi đó đã góp phần đắc lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn công cuộc xây dựng NTM của địa phương.
P.V: Các mô hình "Làng, bản VH-QP” có ý nghĩa như thế nào đối với phòng trào xây dựng NTM ở các địa bàn ĐBKK, thưa đồng chí?
Thượng tá Triệu Kim Thắng: 10 năm xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình "Làng, bản VH-QP” gắn liền với 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của toàn tỉnh. Trong quá trình triển khai đề án, chúng tôi nhận thấy các mục tiêu đặt ra đều tương đồng với các tiêu chí xây dựng NTM. Như đều chú trọng xây dựng các công trình hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế hộ, giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân... Cả hai chương trình đều có chung phương thức thực hiện là "Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong đó, chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động nguồn lực từ Nhân dân kết hợp với sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước, quân đội.
Đến nay, toàn tỉnh có 29 làng, bản VH-QP và làng, bản VH-QP, AN. Đây đều là những điểm sáng nổi bật trong bức tranh xây dựng NTM của các xã ĐBKK, góp phần cùng với toàn tỉnh hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020. Tính đến cuối năm 2019, trong tổng số 88 xã đạt chuẩn NTM của tỉnh, có 19 xã xuất phát điểm từ diện ĐBKK đã vươn lên đạt chuẩn NTM, bình quân 99 xã ĐBKK đạt 12,6 tiêu chí/xã (bình quân toàn tỉnh đạt 15,1 tiêu chí/xã). Với sự đầu tư đúng hướng, hiệu quả, các xã ĐBKK đang từng bước rút ngắn khoảng cách với địa bàn thuận lợi hơn trên lộ trình xây dựng NTM.
Thực tế đã chứng minh, việc xây dựng thành công các mô hình làng, bản VH-QP đã tạo được sự lan tỏa, cho thấy tính xã hội hóa cao, phát huy được tiềm năng, thế mạnh ở cơ sở để từ đó, góp phần củng cố sức mạnh QP-AN, tạo thêm động lực giúp các địa bàn ĐBKK vươn lên phát triển toàn diện.