Mô hình 'Làng thông minh' góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số ở Đồng Tháp

Tỉnh Đồng Tháp có 6 'Làng thông minh' được công nhận gồm xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười; xã Định Yên, huyện Lấp Vò; xã Bình Thạnh, xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh); xã Tân Nhuận Đông, xã An Nhơn (huyện Châu Thành).

Chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn

Tuyến đường nông thôn được lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh. Ảnh: dongthap.gov.vn

Tuyến đường nông thôn được lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh. Ảnh: dongthap.gov.vn

Mô hình “Làng thông minh” được triển khai, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đây là những bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và hình thành xã hội số, tạo ra nhiều tiện ích trên nền tảng công nghệ số.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc hình thành Mô hình "Làng thông minh" ở Đồng Tháp nhằm thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, phát triển sản xuất bền vững, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Người dân có một không gian đáng sống, được kết nối cũng như thụ hưởng các tiện ích và dịch vụ xã hội tốt hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và giảm tác động đến môi trường.

Xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh là địa phương đầu tiên của tỉnh được chọn triển khai Đề tài Nghiên cứu xây dựng mô hình "Làng thông minh". Đây là đề tài khoa học cấp quốc gia, do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức chủ trì.

Việc xây dựng mô hình "Làng thông minh" được phát triển từ Hội quán nông dân ở xã Tân Thuận Tây nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân địa phương trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, thay đổi các phương thức canh tác cũ bằng các phương thức canh tác thông minh.

Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm quê Hội quán cho biết, chính từ mô hình Hội quán mà Đề án "Làng thông minh" ở xã Tân Thuận Tây được hình thành. Hiện nay, xã Tân Thuận Tây có diện tích 500 ha trồng xoài, mỗi một cây đều được gắn mã QR code để truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, bà con còn biết cách trồng xoài rải vụ, xoài VietGAP, hữu cơ… để vừa ứng biến được với thị trường, vừa liên kết sản xuất, nâng cao giá trị.

Bà con cũng đã biết làm du lịch cộng đồng để phát huy giá trị tài nguyên bản địa, biết ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất cũng như trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Hiện nay, mô hình "Làng thông minh" ở xã Tân Thuận Tây có Cổng thông tin điện tử cho Hội quán; có hệ thống lưu trữ, phân tích dữ liệu trung tâm cho "Làng thông minh"; mô hình hệ thống quan trắc môi trường (quan trắc khí và đất); hệ thống tưới tự động (sử dụng năng lượng mặt trời); hệ thống camera giám sát an ninh, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, ứng dụng di động dành cho thành viên Hội quán và cho quản lý, bộ cơ sở dữ liệu về nhật ký canh tác sản phẩm xoài…

Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp

Tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, bên cạnh triển khai các tiêu chí của “Làng thông minh”, địa phương còn thực hiện mô hình “Xã thương mại điện tử” nhằm từng bước ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Mô hình này giúp xây dựng dữ liệu thông tin, đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, gia tăng mức độ tin cậy của người tiêu dùng. Việc tiêu thụ sản phẩm được mở rộng qua cả hình thức bán hàng trực tiếp lẫn gián tiếp, kết hợp với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Trần Phú Hậu, nông dân xã Mỹ Xương cho biết, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí, tối ưu hóa việc trồng trọt, dễ dàng theo dõi chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị đầu ra nhờ truy xuất nguồn gốc. “Trước đây, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nhỏ lẻ, nhưng nay có thể đưa xoài của mình lên các sàn thương mại điện tử, mở rộng cơ hội kinh doanh và tiếp cận khách hàng ngoài địa phương”, ông Hậu nói.

Ngoài ra, từ khi có hệ thống camera giám sát an ninh tại các nút giao thông trọng điểm, khu vực đông người nên tình hình an ninh, an toàn ở địa phương được ổn định hơn.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp đang tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ số, nâng cao nguồn nhân lực và kỹ năng số tại các "Làng thông minh"; chú trọng phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh, hỗ trợ chính sách và sự hợp tác từ các tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hợp tác với các Viện, trường và doanh nghiệp để nghiên cứu, chuyển giao các giải pháp công nghệ thiết thực, tập trung vào quản lý sản xuất, thiết bị tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các mô hình nông nghiệp thông minh đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân nông thôn.

Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/mo-hinh-lang-thong-minh-gop-phan-phat-trien-kinh-te-so-xa-hoi-so-o-dong-thap-20250520091145549.htm