Mô hình lớp học hiện đại không internet
Mới nghe cứ ngỡ, lớp học hiện đại sẽ có đầy đủ thiết bị kết nối internet hoặc mỗi học sinh cầm trên tay một chiếc điện thoại thông minh.
Thế nhưng, lớp học hiện đại của cô Lê Thu Trang, trường Tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình lại mang màu sắc khác biệt và vô cùng ấn tượng.
Đặt tên lớp học theo tên những loài hoa
Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô Lê Thu Trang luôn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê và cống hiến. Bên cạnh việc thường xuyên tự học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, cô còn tích cực tham gia nhiều khóa học đến từ các giáo viên trong nước, các diễn giả nổi tiếng thế giới.
Ý tưởng về lớp học hiện đại dần được hình thành trong cô. Với quan điểm khác lạ khi cho rằng, lớp học hiện đại là nơi học sinh được giáo dục, học tập theo phương pháp hiện đại, cô Trang đã tiến hành khảo sát thực trạng trước khi triển khai mô hình của riêng mình thông qua phiếu khảo sát với các tiêu chí rõ ràng.
Sau thời gian nung nấu, cô đã triển khai xây dựng mô hình lớp học hiện đại theo chủ đề của từng năm học. Cô quyết định đặt tên lớp học theo tên các loài hoa với mục đích hướng học sinh tới vẻ đẹp trong thiên nhiên, vẻ đẹp của cuộc sống, cũng như tạo được sự ấn tượng và hứng thú cho học sinh. Cụ thể: Năm học 2020 - 2021, cô đặt tên lớp học hiện đại là “Lớp học Hoa cát tường“. Năm học 2021 - 2022, cô xây dựng “Lớp học Hoa trạng nguyên” và năm học 2022 - 2023, cô thiết lập “Lớp học Hoa Bồ công anh”.
Quan sát thấy nhiều học sinh, đặc biệt học sinh lớp 1 thường thiếu sự tự tin, nói chưa thành câu hoàn chỉnh và gặp khó khăn khi diễn đạt nên cô Trang đã thường xuyên tổ chức các buổi thi thuyết trình; đồng thời kết hợp với phụ huynh hỗ trợ con làm slide trình bày với mong muốn học sinh có kỹ năng nói, kỹ năng diễn đạt tự tin, mạnh bạo, lưu loát.
Trong thời gian học tập online, nhằm giúp học sinh có động lực, cô Trang sử dụng các phần mềm tạo trò chơi, làm bài tập hấp dẫn hay thiết kế những phiếu kỹ năng sống để cung cấp cho các em nhiều kiến thức bổ ích. Khi học sinh làm tốt, cô có các Phiếu khen và khi phụ huynh đồng hành nhiệt tình, cô gửi Thư vinh danh Phụ huynh xuất sắc của năm. Những điều tuy nhỏ bé nhưng tạo bất ngờ và sự gắn kết, thấu hiểu chẳng những giữa giáo viên và học sinh mà còn giữa giáo viên và phụ huynh.
Tạo sức hút từ các thư viện video
Trong năm học 2022 - 2023, cô Trang đã hiện thực hóa ý tưởng khi xây dựng mô hình thư viện sống động. Thực chất đó là 1 trang Fanpage do cô lập ra để tải lên những video của học trò kể về câu chuyện của các em. Đây cũng chính là những cuốn sách sống mang đến nhiều câu chuyện thú vị về bản thân, về ước mơ, trải nghiệm của học sinh trong cuộc sống mà người xem có thể cảm nhận được khi mở video.
Với cô Trang, mục đích của Thư viện sống không phải chỉ dành cho những người bình thường mà còn hướng những học sinh khiếm thính để các em cũng được đọc các cuốn sách sống, từ đó giáo dục học sinh biết chia sẻ, giúp đỡ những bạn kém may mắn hơn mình. Để thực hiện được điều này, cô đã công phu, gửi video nhờ hỗ trợ chuyển thể sang ngôn ngữ dành cho người khiếm thính. Sau khi áp dụng thành công mô hình này ở lớp mình chủ nhiệm, cô Trang đã lan tỏa ý tưởng đến các lớp 1 khác.
Nhìn lại những nỗ lực và sáng tạo của mình trong 3 năm qua, cô Trang nhận thấy rằng học sinh của cô đã tự tin hơn, năng động hơn, có tư duy phản biện và có giọng nói, cách diễn đạt thu hút người nghe hơn nhiều so với trước. Bằng nhiều hình thức học tập vui nhộn, lý thú, các em lĩnh hội, hiểu, ghi nhớ nhanh bài học; mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được gắn kết hơn, hiểu và yêu thương hơn…
Nhờ những cống hiến đối với ngành Giáo dục Thủ đô và với trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình), cô Lê Thu Trang đã vinh dự là một trong 40 nhà giáo lọt vào chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2022. Bài trình bày của cô về những sáng tạo đã làm, được Hội đồng xét duyệt giải thưởng khen ngợi, đánh giá cao.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mo-hinh-lop-hoc-hien-dai-khong-internet.html