Mô hình sản xuất nông nghiệp bảo vệ đa dạng sinh học
Thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Mai Sơn đã phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị, bảo vệ đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng đạt lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần cân bằng sinh thái, tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng và thúc đẩy phát triển bền vững.
Anh Lò Văn Lịch, bản Nà Ban, xã Hát Lót, là 1 trong 29 hộ dân địa phương được Dự án “Thúc đẩy và mở rộng nông, lâm kết hợp hướng theo thị trường và các giải pháp phục hồi rừng cho vùng Tây Bắc Việt Nam” do Tổ chức nghiên cứu nông, lâm quốc tế tại Việt Nam (ICRAF) tài trợ. Từ 1,3 ha đồi đất dốc trồng cây lương thực hoặc cây hàng năm, sau nhiều năm canh tác, đất dần bị rửa trôi, xói mòn, năng suất giảm, hiệu quả kinh tế không cao, gia đình anh Lịch đã chuyển đổi sang mô hình nông, lâm tổng hợp, trồng cây ăn quả, cỏ voi và trồng xen cây hàng năm.
Anh Lịch chia sẻ: Gia đình tôi đã thực hiện trồng cây ăn quả theo hàng lối, cây cách cây và hàng cách hàng 5m để xen canh ngô và trồng đường băng cỏ ghine để chống xói mòn, rửa trôi, từng bước cải tạo đất, nâng cao hiệu quả canh tác, đa dạng thu nhập cho gia đình. Qua đó, giúp cây phát triển tốt, hàng năm, ngoài thu hoạch từ cây ăn quả các loại và ngô, gia đình còn chủ động nguồn thức ăn cho 5 con trâu từ trồng cỏ ghine, thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/năm.
Đến thăm vườn xoài 1 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ anh Hà Văn Khánh, bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung, chúng tôi ấn tượng với phương thức phát triển cỏ dại chọn lọc dưới tán cây để tăng chất mùn hữu cơ cung cấp cho cây trồng, góp phần cải tạo đất. Anh Khánh tâm sự: Trước đây, tôi cho rằng cần phải làm sạch cỏ để cây trồng chính không bị cạnh tranh chất dinh dưỡng, thậm chí còn sử dụng thuốc diệt cỏ để kiểm soát không để cỏ dại mọc. Quan điểm này đã thay đổi khi được cán bộ khuyến nông tỉnh hướng dẫn cách chọn lọc giống, quản lý cỏ dại. Tôi làm cỏ bằng phương pháp truyền thống để chọn lọc, loại bỏ những giống cỏ ít sinh khối và lựa chọn nhân rộng những giống cỏ nhiều sinh khối, như cây xuyến chi, hoa ngũ vị, cây tàu bay, cây tầm bóp... Sau khi áp dụng phương pháp sản xuất quản lý cỏ dại, đất được cải tạo tơi xốp hơn, không bị xói mòn, rửa trôi, vườn cây ăn quả giữ độ ẩm, cung cấp mùn hữu cơ và chất đạm cho cây trồng hiệu quả bằng phương pháp tự nhiên.
Vườn bưởi hơn 1 ha của gia đình ông Giang Văn Bắc, tiểu khu Nà Sản, xã Hát Lót cũng chọn lọc và phát triển cây lạc dại trong vườn. Ông Bắc chia sẻ: Trước đây, vườn bưởi làm sạch cỏ nên những ngày nắng nóng, hơi nước ở bề mặt đất bị bốc hơi nhanh, khô kiệt. Vài năm trở lại đây, sau khi nghiên cứu và tìm hiểu kỹ thuật tôi đã lựa chọn, phát triển cây lạc dại dưới bề mặt đất đã góp phần bảo vệ đất tốt hơn, vườn bưởi luôn giữ độ ẩm, tiết kiệm công làm cỏ và nước tưới.
Những mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái rất đa dạng, linh hoạt, tùy thuộc vào nhu cầu, định hướng sản xuất, mà các hộ nông dân đã đưa ra những giải pháp phát triển sản xuất phù hợp, như: Lựa chọn cây trồng xen, quản lý cỏ dại, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng biện pháp thiên địch để diệt trừ các sinh vật gây hại, bảo vệ mùa màng, cây trồng một cách tự nhiên, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ sức khỏe của cả người sản xuất và người tiêu dùng, thân thiện với môi trường. Trên địa bàn còn có một số mô hình sản xuất theo hướng sinh thái khác, là mô hình nông, lâm kết hợp nhãn - sắn cao sản - cỏ, mắc ca - cà phê - đậu đỗ, trồng xen cây ăn quả với cây đậu đỗ...
Vận dụng hiệu quả kiến thức khoa học, những mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp nhiều loại cây trồng với nhau, bổ trợ, cộng sinh đang được nhiều nông dân lựa chọn phát triển, góp phần cân bằng môi trường sinh thái, phát triển đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.