Mô hình 'Thư viện thân thiện của bé' góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện

Tận dụng khuôn viên trong và ngoài lớp học, trong 5 năm học gần đây, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công mô hình 'Thư viện thân thiện của bé'. Mô hình này không chỉ tạo cảnh quan trường học sạch đẹp mà còn thuận lợi cho trẻ thực hành các kỹ năng sử dụng tiếng Việt.

Học sinh Trường Mầm non 19/5, thành phố Lạng Sơn tham gia hoạt động tại “Thư viện thân thiện của bé”

Học sinh Trường Mầm non 19/5, thành phố Lạng Sơn tham gia hoạt động tại “Thư viện thân thiện của bé”

Bà Nguyễn Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đối với bậc học mầm non, tiêu chí môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn và tăng cường tiếng Việt cho trẻ luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, “Thư viện thân thiện của bé” là mô hình được chúng tôi chỉ đạo các trường thực hiện có hiệu quả trong 5 năm học gần đây. Mô hình là nơi khơi dậy cho trẻ sự khám phá, tìm tòi, trải nghiệm, phát triển khả năng sáng tạo từ những hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, từ đó tạo sự thay đổi tích cực với sự tự tin của trẻ, khả năng học tập độc lập và tinh thần trách nhiệm, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện.

Có dịp đến Trường Mầm non 19/5, thành phố Lạng Sơn vào những ngày cuối tháng 9/2023, chúng tôi ấn tượng với cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn nơi đây. Đặc biệt là góc thư viện tại khuôn viên nhà trường được làm bằng những vật liệu như vỏ lon nước ngọt, tre, gỗ, lõi giấy, lốp xe cũ… những đồ vật tưởng chừng như bỏ đi nhưng dưới bàn tay khéo léo của các cô giáo đã biến các phế liệu trở thành những chiếc bàn xinh xắn, ống tre, lõi giấy, xốp cuốn thành ống, gắn thành hộp đựng sách báo vô cùng đẹp mắt với các hình trang trí cây cối, con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Cô Nguyễn Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 cho biết: Từ năm học 2017 – 2018, nhà trường đã chỉ đạo các lớp xây dựng góc thư viện, góc đọc sách và xây dựng mô hình “Thư viện thân thiện” đặt tại khuôn viên trường học cho trẻ. Vị trí đặt thư viện luôn ở vị trí bắt mắt, vừa tầm với của trẻ, được sắp xếp theo hướng mở nhằm khuyến khích trẻ đến với thư viện, tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận những quyển sách phù hợp với sở thích và khả năng đọc của mình, phù hợp với sự phát triển tâm lý trẻ mầm non. 100% quyển tại thư viện là truyện tranh với những nội dung như: truyện cổ tích, truyền thuyết, giải câu đố… “Thư viện thân thiện của bé” không chỉ góp phần tạo cảnh quan cho nhà trường mà còn là mô hình để trẻ được trải nghiệm thực tế, được tái hiện lại những câu chuyện tại khu vực thư viện, học cách làm việc nhóm, chia sẻ những cuốn truyện hay và tự xếp truyện vào đúng vị trí quy định. Qua đó, giúp trẻ gia tăng vốn từ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

Hiện nay, toàn tỉnh có 232 trường mầm non thì 100% trường xây dựng mô hình “Thư viện thân thiện của bé” cả trong và ngoài lớp học. Để thực hiện thành công mô hình này, ban giám hiệu các trường mầm non đã phát động toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh nhà trường dành nhiều ngày công, nhất là tranh thủ sau giờ lên lớp hoặc thời gian nửa tháng trước khi bắt đầu năm học mới để xây dựng góc thư viện, bài trí theo chủ đề, chủ điểm năm học. Trung bình mỗi “Thư viện thân thiện” tại các trường mầm non có từ 50 đến 100 đầu sách, truyện với nhiều nội dung phù hợp với độ tuổi mầm non. Để đa dạng các đầu sách, truyện, nhà trường thường vận động phụ huynh, mạnh thường quân… quyên góp các đầu sách, truyện mới để trẻ có nhiều lựa chọn phong phú hơn. Hằng ngày, cô giáo cho trẻ ra góc thư viện, đọc truyện, kể chuyện theo hình, đóng kịch… đồng thời, để khơi dậy sự sáng tạo của trẻ, nhà trường còn chuẩn bị thêm các vật liệu như: bìa, giấy vẽ, cọ vẽ, màu các loại, kéo… để cô và trò cùng nhau làm những cuốn sách, viết nội dung cho từng trang sách hoặc trẻ tự làm album, sáng tác truyện theo ý tưởng của mình.

Chị Hoàng Thị Ngọc, có con theo học tại Trường Mầm non 10/10, huyện Tràng Định cho biết: Tại trường, con tôi được các cô đọc cho nghe những câu chuyện hay, bổ ích, cháu rất nhớ và mong muốn được mẹ đọc cho nghe. Tại trường có thư viện ngoài trời nên tôi thường tranh thủ giờ đưa đón trẻ để cùng con đọc những mẩu chuyện hay. Từ những câu chuyện được nghe, con tôi rút được rất nhiều bài học cho bản thân về tính tiết kiệm, thật thà, hiếu thảo…

Em Nguyễn Lâm Yến, lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Liên cơ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Con rất thích được nghe cô kể chuyện tại thư viện. Ở đây con và các bạn được giải câu đố, kể chuyện theo tranh, con thấy rất vui.

Xây dựng mô hình “Thư viện thân thiện của bé” là một trong những nội dung chính của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đôn đốc, khuyến khích các trường mầm non thực hiện tốt các nội dung xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, trường học hạnh phúc, trong đó có việc thực hiện hiệu quả mô hình “Thư viện thân thiện của bé”… nhằm tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện đối với trẻ mầm non.

THU HIỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/614716-mo-hinh-thu-vien-than-thien-cua-be-gop-phan-giup-tre-phat-trien-toan-dien.html