Mô hình tố tụng hình sự mới và công tác phòng, chống tội phạm
Sáng 11-4, tại Hà Nội, Tạp chí CAND đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học 'Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và những vấn đề đặt ra đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay'.
Tham dự buổi tọa đàm có các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND, các đồng chí là lãnh đạo, đại diện các vụ, cục, nhà trường CAND.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Thiếu tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Tổng Biên tập Tạp chí CAND khẳng định, Bộ luật Tố tụng hình sự tuy chưa đi vào thi hành nhưng quá trình nghiên cứu cho thấy bên cạnh sự tiến bộ, kế thừa tính tích cực, khắc phục được những hạn chế trong hoạt động tố tụng hình sự từ trước đến nay cũng đặt ra những vấn đề mới, những vướng mắc có thể sẽ gặp phải khi thi hành cần tìm hiểu, nghiên cứu để có nhận thức đúng, thống nhất và khi áp dụng trong thực tiễn sẽ tạo ra những động lực phục vụ thiết thực cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trên tinh thần đó, tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thái Phúc; Trung tướng, PGS.TS Trần Đình Nhã; Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Thủ Thanh cùng nhiều đại biểu khác đã có 15 lượt ý kiến phát biểu cả dưới phương diện lý luận và thực tiễn về các vấn đề liên quan tới chủ đề nghiên cứu.
Các đại biểu đều thống nhất, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động tố tụng hình sự.
Cơ bản các ý kiến của các đại biểu cũng cho rằng mô hình tố tụng hình sự trong Bộ luật Tố tụng Hình sự là mô hình pha trộn, có bổ sung ngày càng rộng rãi hơn tính tranh tụng trong các giai đoạn của tố tụng hình sự nhất là giai đoạn xét xử, với mục tiêu bảo vệ quyền con người, quyền công dân và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Từ đó đặt ra những yêu cầu đối với các cơ quan tiến hành tố tụng nhất là các cơ quan điều tra liên quan đến các quy định mới về quyền của người phạm tội; sự tham gia của người bào chữa trong giai đoạn điều tra; việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt, ghi âm ghi hình trong hỏi cung bị can, bị cáo…
Đồng thời phải nâng cao nhận thức; bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ điều tra viên và cán bộ điều tra cũng như sớm nghiên cứu ban hành các văn bản thể chế hóa các quy định của Bộ luật.
Bên cạnh đó, cũng còn có một số ý kiến băn khoăn về những quy định mới liên quan tới biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự như quy định tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quy định về vấn đề khai báo của bị can, về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ở tính khả thi trong thực tế; quy định về các nguyên tắc tố tụng hình sự đặt trong mối quan hệ với mục đích của hoạt động này.
Kết thúc buổi tọa đàm, cơ quan chủ trì nghiên cứu đã nêu rõ việc ghi nhận đầy đủ các ý kiến góp ý; tổng hợp, phân tích và có phương hướng sử dụng kết quả nghiên cứu phù hợp.