Mô hình trồng lúa giảm phát thải giúp nông dân tăng 20% năng suất

Thành phố Hà Nội đang tích cực nhân rộng mô hình chuyển đổi sang hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) theo hướng hữu cơ, mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 90% diện tích lúa áp dụng phương pháp này.

Những cánh đồng xanh mướt trải dài của hơn 200 hộ dân tại xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, mùa Xuân năm 2025 đang khoác lên mình một diện mạo mới. Đây là mùa vụ đầu tiên địa phương triển khai mô hình cấy máy kết hợp hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) theo hướng hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính.

Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật sát sao từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh, những cánh đồng lúa ở Liên Mạc đang phát triển rất tốt. Lúa có bộ rễ khỏe mạnh, thân cây cứng cáp, ít bị sâu bệnh và chống chịu tốt hơn với thời tiết xấu. Việc áp dụng phương pháp cấy máy giúp người dân tiết kiệm được nhiều chi phí về nhân công, giống, phân bón và nước tưới. Đồng thời, năng suất lúa cũng tăng lên đáng kể so với cách làm truyền thống.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố Nguyễn Xuân Đại thăm mô hình lúa sản xuất thep hướng hữu cơ tại xã Liên Mạc hồi đầu tháng 4/2025. Ảnh: Nguyễn Thu

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố Nguyễn Xuân Đại thăm mô hình lúa sản xuất thep hướng hữu cơ tại xã Liên Mạc hồi đầu tháng 4/2025. Ảnh: Nguyễn Thu

Hộ gia đình ông Lưu Bá Tiếp, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh là một trong hơn 200 hộ dân đầu tiên áp dụng SRI theo hướng hữu cơ trong vụ Xuân năm nay. Ông Tiếp cho biết, nhờ áp dụng phương pháp này, gia đình ông đã tiết kiệm được từ 7 - 8 triệu đồng mỗi hecta chi phí đầu vào, bao gồm giống, phân bón và nhân công, trong khi năng suất lúa lại tăng thêm từ 18% - 20% so với cách canh tác truyền thống.

Theo ông Tiếp, nhờ cấy máy theo quy trình SRI, ruộng lúa thoáng hơn, cây lúa khỏe mạnh từ gốc, hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, qua đó giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường đồng ruộng.

Theo bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện Thành phố có khoảng 160.000 ha sản xuất lúa, trong đó hơn 70% diện tích đã ứng dụng SRI; riêng tỷ lệ áp dụng toàn phần các biện pháp SRI đạt khoảng 10%, tập trung chủ yếu ở các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Thạch Thất...

“Áp dụng SRI không những giúp tiết kiệm chi phí đầu vào mà còn giảm 30% nhu cầu nước tưới, hạn chế phát thải khí nhà kính nhờ không giữ nước ngập mặt ruộng thường xuyên, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.”, bà Hằng nhấn mạnh.

Để thúc đẩy mô hình, vụ Xuân 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã hỗ trợ huyện Mê Linh tổ chức mô hình SRI trên diện tích 50 ha. Các nông hộ được hỗ trợ 50% chi phí mua máy cấy, máy làm đất; 50% chi phí giống, phân bón và công cấy.

Bên cạnh đó, nông dân còn được tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ thuật canh tác lúa SRI. Cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn quy trình từ khâu chọn giống, làm đất, chăm sóc, cho đến thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, Thành phố xác định thúc đẩy ứng dụng SRI là giải pháp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, đây cũng là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030, 90% diện tích lúa của Thành phố áp dụng SRI, trong đó 15 - 20% áp dụng toàn bộ các quy trình SRI”, ông Đại thông tin.

Ít ai ngờ rằng, cách đây hơn 20 năm, phương pháp SRI còn rất mới lạ ở Việt Nam. Hà Nội là địa phương tiên phong đưa SRI vào thực tiễn canh tác từ năm 2003, sau khi Tổ chức Oxfam giới thiệu mô hình này tại Việt Nam.

Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức là một trong những đơn vị đầu tiên mạnh dạn áp dụng. Đến nay, toàn bộ 530 ha đất lúa của hợp tác xã đều canh tác theo phương pháp SRI. Ông Nguyễn Hà Tuyển, Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến, chia sẻ: “SRI giúp chúng tôi giảm chi phí giống tới 50%, giảm phân bón 20 - 30%, gần như không cần dùng thuốc trừ sâu, lượng nước tưới cũng giảm mạnh. Thu nhập của xã viên đã tăng lên rõ rệt”.

SRI cũng đang được nhân rộng ra khắp 35 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá đây là một trong những phương pháp canh tác hiệu quả nhất trong việc giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) mà Việt Nam cam kết tại COP26.

Tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Môi trường xác định thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất lúa, mở rộng quy mô hỗ trợ máy móc thiết bị, tăng cường công tác tập huấn cho nông dân về quy trình canh tác SRI chuẩn hóa.

Song song đó, Thành phố cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, SRI toàn phần, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu “Lúa sạch Thủ đô” trong tương lai gần.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/mo-hinh-trong-lua-giam-phat-thai-giup-nong-dan-tang-20-nang-suat-d274609.html