Mô hình trồng nấm linh chi mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Quảng Xương

Với mục tiêu đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thời gian qua trên địa bàn huyện Quảng Xương đã có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, trong đó có mô hình trồng nấm linh Chi của anh Đào Văn Hoàng ở thôn Lê Hương, xã Quảng Lộc.

Anh Đào Văn Hoàng đang kiểm tra Nấm linh Chi.

Nấm linh chi là loại thảo dược đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người. Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao về loại dược liệu này, anh Đào Văn Hoàng ở Thôn Lê Hương, xã Quảng Lộc đã đầu tư cơ sở trồng nấm linh chi, bước đầu đạt hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Bằng kinh nghiệm có được cùng với kiến thức học hỏi thêm anh Hoàng đã quyết định đầu tư trồng nấm linh chi trên diện tích hơn 15.000m2. Anh đã đầu tư làm nhà xưởng, mua sắm máy móc bảo đảm sản xuất đồng bộ, khép kín với dây chuyền máy hấp, sấy tiệt trùng, máy thái lát, hút chân không, hoàn thiện các phòng cấy, ươm sợi và nhà xưởng nuôi dưỡng đáp ứng các điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm.

Nấm linh chi khá dễ trồng, nguyên liệu sản xuất dồi dào chủ yếu là cây cao su, cây keo được cắt thành từng đoạn dài 20 cm, bọc ni lông, đem xử lý nấm mốc, tránh mối mọt bằng cách hấp, sấy, tiệt trùng và được cấy mô, nuôi dưỡng trong phòng lạnh, sau đó cho ra môi trường tự nhiên.

Sản phẩm nấm linh chi khô sau thu hoạch.

Phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, mỗi lứa nấm có thể cho thu hoạch sau 3-6 tháng nuôi trồng và mỗi bịch giá thể cho thu hoạch 2-3 lần vào thời điểm từ tháng 7 âm lịch đến tháng 4 âm lịch năm sau. Giá thể nấm sau khi thu hoạch được tận dụng làm chất đốt hoặc ủ làm phân bón cho cây trồng. Điểm khác biệt của kỹ thuật này là nguồn dinh dưỡng cho nấm hoàn toàn từ tự nhiên, không bổ sung bất kỳ phụ gia, nên sản phẩm nấm linh chi được đánh giá có chất lượng cao, dược tính tương đương nấm mọc trong tự nhiên. Mỗi năm, gia đình anh Hoàng nuôi cấy được trên 180.000 bịch nấm, sản lượng đạt trên 5.000 kg nấm linh chi khô/năm, với giá bán từ 600 đến 800.000 đồng/1 kg, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập trên 300.000 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động với mức thu nhập từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Dù sản xuất chưa lâu, nhưng mô hình trồng nấm linh chi của Anh Hoàng đã cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới về lĩnh vực trồng dược liệu, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm linh chi đảm bảo vệ sinh ATTP để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Các tai nấm phát triển đều, đẹp.

Việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nhằm 4 mục tiêu: nâng giá trị sản xuất trên diện tích nuôi trồng; tăng thu nhập cho người lao động; nâng cao sức cạnh tranh cho các loại sản phẩm trong điều kiện kinh tế hội nhập; tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh thân thiện với con người.

Cùng với xu hướng phát triển chung xây dựng mỗi xã một sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp huyện Quảng Xương đã và đang có bước chuyển mình nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập trong giai đoạn hiện nay. Cùng với chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đầu tư phát triển nông thôn theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống nông dân đã ngày càng được cải thiện. Điều này cho thấy việc phát triển nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao là một lựa chọn hợp lý và xu thế tất yếu trong tiến trình đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn, trong đó mô hình trồng nấm linh chi của anh Hoàng là hướng đi mang lại hiệu quả cao.

Văn Chinh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/san-pham-thuong-hieu-xu-thanh/mo-hinh-trong-nam-linh-chi-mang-lai-hieu-qua-kinh-te-cao-tai-quang-xuong/21572.htm