Mô hình trồng nghệ đen giàu hoạt chất

Nghệ đen có hàm lượng sesquiterpenoids chiếm 80 - 85% và monoterpenoids khoảng 15 - 20% trong tinh dầu củ.

Một số hình thái cây nghệ đen trong thí nghiệm nghiên cứu (trái) và củ nghệ đen tươi sau khi thu hoạch (phải).

Một số hình thái cây nghệ đen trong thí nghiệm nghiên cứu (trái) và củ nghệ đen tươi sau khi thu hoạch (phải).

Tại khu vực phía Nam, cây nghệ đen hiện mới được trồng với quy mô nhỏ, thường phụ thuộc vào phân bón vô cơ khiến chất lượng củ giảm và hàm lượng hoạt chất không đạt yêu cầu.

Hỗ trợ điều trị ung thư

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dược liệu ngày càng tăng, đặc biệt trong lĩnh vực y học và mỹ phẩm, cây nghệ đen nổi lên như một ứng viên đầy tiềm năng nhờ đặc tính dược lý mạnh mẽ.

Với mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu quý này, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM do ThS Nguyễn Quốc Thanh chủ nhiệm đã triển khai đề tài nghiên cứu kỹ thuật canh tác cây nghệ đen, được nghiệm thu trong năm 2024.

Nghệ đen có hàm lượng sesquiterpenoids chiếm 80 - 85% và monoterpenoids khoảng 15 - 20% trong tinh dầu củ. Các thành phần này mang lại nhiều công dụng quý: Kháng nấm, kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa mạnh và có tiềm năng hỗ trợ điều trị ung thư. Với giá trị dược liệu cao, nghệ đen đang thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và doanh nghiệp trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm.

Trong canh tác, nghệ đen được trồng từ cây giống sẽ cho hiệu quả cao hơn so với trồng trực tiếp từ củ giống do cây giống có độ đồng đều cao, củ được giâm trong vườn ươm có thể kiểm soát sâu, bệnh hiệu quả và tránh điều kiện thời tiết bất lợi trong giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, giá thể là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả nhân giống. Những năm gần đây, mô hình canh tác cây nghệ đen đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho những hộ dân tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung,…

Tuy nhiên, tại khu vực phía Nam, cây nghệ đen hiện mới được trồng với quy mô nhỏ, thường phụ thuộc vào phân bón vô cơ khiến chất lượng củ giảm và hàm lượng hoạt chất không đạt yêu cầu.

ThS Nguyễn Quốc Thanh cho biết, mục tiêu của đề tài là xác định các yếu tố tối ưu trong nhân giống và chăm sóc để cây nghệ đen đạt năng suất và chất lượng cao. Nhóm đã xác định thành phần giá thể và khối lượng củ giâm phù hợp để nhân giống hiệu quả; Tìm hiểu ảnh hưởng của các loại phân hữu cơ và hàm lượng phân NPK đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng củ.

Thí nghiệm nhân giống được thực hiện trong nhà ươm rộng 300 m² với điều kiện môi trường được kiểm soát tốt: Nhiệt độ trung bình 32°C, ẩm độ 70 - 80%, ánh sáng giảm 50% và hệ thống che chắn côn trùng. Trong khi đó, thí nghiệm về phân bón được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên trên diện tích hơn 1.000 m² với ba lần lặp lại.

Đạt chuẩn chất lượng dược liệu

Kết quả từ thí nghiệm cho thấy, củ giống có khối lượng 40g cho tỉ lệ nảy chồi cao nhất (91,5%), số chồi trung bình 1,6/cây, cây cao 64,8cm và có thể xuất vườn sau 38,2 ngày giâm. Bên cạnh đó, giá thể gồm 30% đất, 30% cát, 10% trấu và 30% phân trùn quế giúp cây phát triển tốt: Nhiều chồi, chiều cao trung bình 60,2cm và thời gian xuất vườn rút ngắn còn 42,2 ngày.

Trong thí nghiệm 2, việc phối hợp phân bò với các loại phân hữu cơ sinh học, vi sinh hoặc khoáng đã chứng minh hiệu quả rõ rệt về sinh trưởng và chất lượng củ. Đặc biệt, công thức phân NPK 120:60:120 (kg/ha) giúp cây cao 163,7cm, thân to, nhiều chồi và lá. Trong khi đó, công thức NPK 120:90:150 (kg/ha) cho năng suất cao nhất với 25,2 củ/bụi, khối lượng củ 1.107 g/bụi, đạt năng suất 4.538,7kg/1.000m².

Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng việc kết hợp phân bò với các loại phân hữu cơ giúp giảm giá thành củ nghệ đen xuống chỉ còn 22.622 đồng/kg, thấp hơn 1,66 lần so với sử dụng phân bò đơn thuần. Trong khi đó, phân NPK công thức cao (120:60:150 kg/ha) dù chi phí đầu vào cao hơn nhưng do năng suất tăng mạnh, giá thành sản xuất lại giảm xuống mức thấp nhất là 18.242 đồng/kg - thấp hơn gần 1,8 lần so với công thức NPK 90:60:120.

Sản phẩm thu hoạch từ mô hình đạt chất lượng củ tốt với tinh dầu 1,41%, curcumin 0,22% và curzerene 4,19 mg/g - các chỉ số quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả sử dụng trong y học cổ truyền và hiện đại. Điều này cho thấy việc đầu tư vào kỹ thuật canh tác và quy trình chăm sóc hợp lý có thể tạo ra sản phẩm có giá trị dược liệu cao và có tiềm năng thương mại lớn.

Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện mô hình canh tác nghệ đen hoàn chỉnh. Mô hình hướng tới canh tác bền vững, tận dụng phân chuồng và phân hữu cơ thay vì lạm dụng phân hóa học, giúp duy trì độ phì nhiêu đất, thân thiện với môi trường và nâng cao giá trị cây trồng lâu dài.

Với khả năng thích nghi tốt và giá trị dược liệu cao, nghệ đen hoàn toàn có thể được nhân rộng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Trong bối cảnh thị trường ngày càng chú trọng đến nguyên liệu tự nhiên có giá trị sinh học, việc phát triển mô hình trồng nghệ đen không chỉ giải bài toán kinh tế cho nông dân mà còn góp phần vào chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, xanh và an toàn cho sức khỏe cộng đồng.

Nhật Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mo-hinh-trong-nghe-den-giau-hoat-chat-post738472.html