Mô hình xây dựng xã hội hòa nhập cho cộng đồng người khuyết tật tại Singapore
Trong nhiều năm qua, chính phủ Singapore cũng như nhiều tổ chức xã hội tại quốc gia này đã triển khai các nỗ lực để giúp 'đảo quốc Sư tử' trở thành một xã hội hòa nhập hơn đối với người khuyết tật.
Theo định nghĩa, người khuyết tật là người khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Nó có thể bao gồm những khác biệt về thể chất, trí tuệ/phát triển và giác quan. Trong khi một số khuyết tật có thể nhìn thấy được, những khuyết tật khác có thể không rõ ràng.
Xây dựng môi trường hòa nhập
Tại Singapore, khoảng 50% người trưởng thành khuyết tật được thuê làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát do Hội đồng Dịch vụ Xã hội Quốc gia thực hiện năm 2021, 62% người khuyết tật không cảm thấy được hòa nhập hoặc không được chấp nhận, cũng như cảm thấy họ thiếu cơ hội để phát huy tiềm năng và đóng góp cho xã hội.
SG Enabling Village (Làng hỗ trợ) là không gian cộng đồng đầu tiên ở Singapore giúp người khuyết tật hòa nhập với xã hội. Tọa lạc tại khu dân cư Redhill và do SG Enable – cơ quan đầu mối về khuyết tật ở Singapore, chuyên hỗ trợ người khuyết tật và xây dựng một xã hội hòa nhập do Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore thành lập vào năm 2013 - quản lý, Enabling Village bao gồm các tiện ích cộng đồng và chương trình hòa nhập cho tất cả mọi người, đặc biệt tập trung vào đào tạo và việc làm hòa nhập cho người khuyết tật. Mô hình này đang được nhân ra rộng trên khắp Singapore.
Video thiết kế lối đi dành cho người khuyết tật tại không gian chung trong làng:
Ngôi làng được thiết kế với các tiện nghi thân thiện với người khuyết tật. Nổi bật có thể kể đến lối đi dành cho người ngồi xe lăn bên trong và bên ngoài các tòa nhà hay khu vườn chung yên tĩnh dành cho những người tìm kiếm cảm giác ở một mình. Đến đây, cộng đồng người khuyết tật sẽ không có cảm giác bị bỏ rơi khi họ có phòng tập thể dục đầu tiên dành cho mình với trang thiết bị chuyên dụng, có phòng khám riêng tư để không phải mệt mỏi chờ đợi tại những bệnh viện đông người. Bên cạnh đó, làng còn mở ra các lớp học đề học kỹ năng tự phục vụ và đào tạo nghề, trung tâm công nghệ hỗ trợ hay một trường mầm non hòa nhập cho những em bé “đặc biệt”. Theo số liệu của chính phủ Singapore, năm 2020 ghi nhận thêm khoảng 5.000 trường hợp chậm phát triển được chẩn đoán ở trẻ mẫu giáo và dự đoán con số này có khả năng tăng lên hàng năm.
Ông Warren Sheldon Humphries - một hướng dẫn viên lâu năm tại Enaling Village ngồi xe lăn – chia sẻ: “Chúng tôi không muốn được gọi là những người khuyết tật (people with disablities) mà chúng tôi muốn được gọi là những người nghị lực (people with determinations). Bạn có thể cho thế giới thấy hoàn cảnh khó khăn của mình hoặc bạn có thể cho thế giới thấy sức mạnh phi thường trong mình. Tại Enabling Village, không chỉ là khả năng tiếp cận vật chất mà những khía cạnh khác như giáo dục, đào tạo, việc làm và phúc lợi đều trở nên dễ tiếp cận hơn đối với chúng tôi”.
Không một ai bị bỏ rơi
Một trong những mục tiêu của các sáng kiến hòa nhập xã hội dành cho người khuyết tật là giúp họ thêm tự tin tương tác với thế giới bên ngoài, để họ trở thành một phần và đóng góp tích cực cho xã hội.
Ra mắt vào tháng 8/2020 và hiện có 7 cơ sở dịch vụ kinh doanh ẩm thực trên khắp Singapore, The Social Kitchen là một doanh nghiệp xã hội tập trung vào việc tuyển dụng những người có nhu cầu đặc biệt và những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn như bà mẹ đơn thân hoặc người vô gia cư. Hiện tại, tổng số nhân viên phục vụ trong các cửa hàng của Social Kitchen là khoảng 40 người.
Jessica Szeto, một người mắc Hội chứng Down 30 tuổi, đã có hơn 3 năm làm việc tại Social Kitchen. Ban đầu, cô chỉ là nhân viên phục vụ đóng gói thực phẩm để giao đồ ăn cho khách, nhưng sau khi được đào tạo chuyên sâu, giờ Szeto đã được chuyển sang phục vụ bàn, trực tiếp tương tác với khách đến ăn. Đây là công việc toàn thời gian đầu tiên của Szeto.
“Tôi đã có được rất nhiều người bạn tốt, họ đã chỉ dạy tôi rất nhiều. Tôi thích làm việc với các đồng nghiệp của mình. Họ rất tốt với tôi”, Szeto chia sẻ.
Là một trong số ít các cơ quan dịch vụ xã hội ở Singapore tiếp nhận học sinh hoặc nghệ sĩ bị khuyết tật về thể chất, giác quan hoặc trí tuệ, ART:DIS được thành lập với sứ mệnh phục vụ và tạo cơ hội cho người khuyết tật trong lĩnh vực nghệ thuật. Hiện cơ quan này đã mở được 3 cơ sở với khoảng 25 giáo viên là các nghệ sĩ được tham gia các khóa học giáo dục đặc biệt, tiếp nhận từ 400 đến 500 học sinh trong 21 lớp học khác nhau, từ hội họa, làm gốm, nhảy cho đến chơi nhạc cụ.
Theo bà Angela Tan – Giám đốc Điều hành ART:DIS, bằng cách tham gia các lớp học hàng tuần, học sinh tại trung tâm được khuyến khích thể hiện bản thân thông qua nghệ thuật, tương tác với người khác và khám phá niềm vui của việc sáng tạo nghệ thuật. Bà Tan nhấn mạnh từ những tác phẩm mà các em học sinh thể hiện, bố mẹ có thể hiểu được cách mà các bạn ấy nhìn nhận, suy nghĩ về thế giới ra sao.
Những lớp học tại ART:DIS có thể coi là một góc can thiệp sớm cho những bạn nhỏ có nhu cầu đặc biệt. Esther Ng - một giáo viên dạy mỹ thuật và gốm 4 năm tại ART:DIS – chia sẻ: “Hầu hết những bạn nhỏ đến đây học đều gặp khó khăn trong vận động tinh, những kỹ năng liên quan đến bàn tay. Thông qua các chương trình học như nặn gốm, tô màu, chúng tôi có thể giúp các em cải thiện các kỹ năng đó, giúp các em linh hoạt, khéo léo hơn”.
Không chỉ giúp cộng đồng người khuyết tật khai phá tiềm năng bản thân, ART:DIS còn giúp xã hội công nhận những tài năng đó bằng những những buổi biểu diễn tại các lễ hội, các triển lãm tại các tụ điểm công cộng, đưa các sản phẩm nghệ thuật của các học sinh đến thị trường chính thống và phổ biến hơn.
“Mục đích của chúng tôi khi trưng bày và bán các tác phẩm, sản phẩm của các em là muốn khách hàng ngắm nghĩa và mua vì cảm thấy chúng đẹp chứ không phải mua vì xuất phát từ lòng thương hại, với suy nghĩ đó là sản phẩm của người khuyết tật”, Giám đốc Tan nhấn mạnh.