Mô hình xe đạp công cộng góp phần xây dựng 'đô thị xanh' tại Đắk Lắk

Mô hình xe đạp công cộng vừa chính thức ra mắt tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng 'đô thị xanh' trong lòng thành phố.

TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vừa chính thức ra mắt dịch vụ xe đạp trải nghiệm BEAgo. Đây là hành động thiết thực, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc hướng tới mục tiêu phát triển giao thông xanh gắn với xây dựng đô thị xanh. Mô hình xe đạp công cộng BEAgo đã phát huy được tiện ích trong việc đảm bảo an toàn giao thông và cảnh quan đô thị, tăng tiện ích cho người dân, du khách, đặc biệt giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng “đô thị xanh” trong lòng thành phố.

Hội viên Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột trải nghiệm dịch vụ xe đạp BEAgo trên các tuyến đường của TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Trường Minh

Hội viên Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột trải nghiệm dịch vụ xe đạp BEAgo trên các tuyến đường của TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Trường Minh

Có thể thấy, mật độ các phương tiện giao thông ngày càng nhiều, chủ yếu là ô tô và xe máy, đã và đang tác động trực tiếp môi trường sống và sức khỏe người dân. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông phát thải vào không khí một khối lượng lớn các loại khói, khí độc như CO, CO2, hydrocacbon, NO2, SO2, khói đen, chì và các dạng hạt khác, từ đó trở thành “gánh nặng” cho môi trường.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2023, cả nước có gần 75 triệu xe máy lưu hành, trong đó, có gần 73 triệu xe máy xăng và hơn 2 triệu xe máy điện. Nếu như năm 2013, cả nước mới có 37 triệu xe máy các loại đăng ký lưu hành thì sau 10 năm, đã tăng gấp 2 lần. Tại Đắk Lắk, tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 1,6 triệu chiếc xe máy, đây là loại phương tiện chủ yếu để tham gia giao thông ở khu vực thành thị và nông thôn. Với mức thu nhập và điều kiện kinh tế hiện nay, xe máy vẫn là phương tiện được đa số người dân lựa chọn vì giá cả phù hợp, dễ sử dụng, tiện ích trong di chuyển. Chỉ tính riêng tại TP. Buôn Ma Thuột, số lượng xe máy đăng ký chiếm khoảng 37% số xe cả tỉnh, nếu tính số người trên 15 tuổi (đủ tuổi đăng ký đứng tên xe) thì 1 người dân ở TP. Buôn Ma Thuột sở hữu hơn 1,7 xe mô tô, xe máy. Việc gia tăng phương tiện cá nhân đã và đang là thách thức lớn đối với công tác bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông cũng như ô nhiễm môi trường, đặc biệt khi thành phố đang dần định vị thương hiệu thành phố xanh gắn với du lịch xanh.

Trạm xe đạp công cộng tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Trường Minh

Trạm xe đạp công cộng tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Trường Minh

Nhận thấy xe đạp là “mảnh ghép” quan trọng trong xu hướng phát triển giao thông xanh, xây dựng đô thị bền vững, nên TP. Buôn Ma Thuột là địa phương tiên phong xây dựng văn hóa xe đạp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dịch vụ xe đạp công cộng BEAgo chính thức ra mắt được xem là hành động cần thiết và khởi đầu cho xu thế giao thông xanh gắn với du lịch xanh và xây dựng, phát triển đô thị xanh tại TP. Buôn Ma Thuột.

Theo đó, Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột đã xây dựng và đưa vào vận hành 33 trạm xe, được bố trí tại các vị trí thuận tiện trên địa bàn 9 xã, phường, nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của người dân và du khách. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột, dịch vụ xe đạp BEAgo không chỉ phục người dân, du khách rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm thành phố mà còn trở thành biểu tượng giao thông xanh của thành phố. Dù mới trong giai đoạn thí điểm, nhưng sau 2 tuần hoạt động, dịch vụ xe đạp BEAgo đã thu hút hàng nghìn lượt tải app, tìm hiểu và thuê xe trải nghiệm. Dịch vụ xe đạp công cộng BEAgo không đơn thuần là phương tiện di chuyển mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về cam kết xây dựng một thành phố xanh, sạch, đẹp và bản sắc.

Chỉ sau 2 tuần hoạt động dịch vụ xe đạp BEAgo đã thu hút hàng nghìn lượt tải app, tìm hiểu và thuê xe trải nghiệm tại TP. Buôn MA Thuột. Ảnh: Trường Minh

Chỉ sau 2 tuần hoạt động dịch vụ xe đạp BEAgo đã thu hút hàng nghìn lượt tải app, tìm hiểu và thuê xe trải nghiệm tại TP. Buôn MA Thuột. Ảnh: Trường Minh

Lượng khách sử dụng phương tiện này cho sinh hoạt hàng ngày đi vào ổn định. Việc sử dụng xe đạp công cộng đang dần trở thành phương tiện quen thuộc của người dân, đã xuất hiện nhiều khách hàng sử dụng xe đạp thường xuyên để phục vụ nhu cầu đi lại trong ngày hoặc rèn luyện sức khỏe.

Ông Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1960, trú ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, từ ngày thành phố triển khai dịch vụ xe đạp công cộng, đã hỗ trợ ông rất nhiều khi tập thể dục. “Nhà tôi ở gần đường Lê Duẩn nơi có lắp đặt dịch vụ xe đạp công cộng nên mỗi tuần 2, 3 lần, tôi thường thuê xe đạp đi dạo tuyến đường trong thành phố và chạy vào hồ Ea Kao, đi xe đạp vừa nhẹ nhàng, tiện lợi, đảm bảo an toàn giao thông, vừa có tác dụng tốt trong việc rèn luyện sức khỏe. Mong rằng dịch vụ này được duy trì và nhân rộng để những người cao tuổi được tiếp cận nhiều hơn” - ông Chiến chia sẻ.

TP. Buôn Ma Thuột đã xây dựng và đưa vào vận hành 33 trạm xe, được bố trí tại các vị trí thuận tiện trên địa bàn 9 xã, phường. Ảnh: Trường Minh

TP. Buôn Ma Thuột đã xây dựng và đưa vào vận hành 33 trạm xe, được bố trí tại các vị trí thuận tiện trên địa bàn 9 xã, phường. Ảnh: Trường Minh

Chị Phạm Thị Thảo (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, TP. Buôn Ma Thuột có quy hoạch rất đẹp với những hàng cây xanh phủ bóng trên các tuyến đường của thành phố, sử dụng xe đạp là phương tiện dễ dàng nhất vì đường thoáng và rộng rãi, giao thông an toàn, với tốc độ di chuyển vừa phải như xe đạp sẽ rất thích hợp. “Với một thành phố có diện tích không rộng như TP Buôn Ma Thuột, nhưng đường sá rộng rãi, thoáng mát, các điểm tham quan gần nhau thì việc sử dụng xe đạp công cộng để tham quan rất thuận tiện, tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, chúng tôi có thể thuê và trả xe ở trạm bất kỳ nào đó sau khi sử dụng. Tại các trạm cũng có bảng hướng dẫn sử dụng rất chi tiết để người dân và du khách dễ dàng sử dụng” - chị Thảo đánh giá.

Theo ông Trần Đức Nhật - Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, việc đưa vào hoạt động dịch vụ xe đạp công cộng BEAgo là một hành động thiết thực, thể hiện tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong việc hướng tới mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể (Net Zero). Lựa chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển, không chỉ giảm thiểu lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường mà còn góp phần cải thiện chất lượng không khí, giảm ùn tắc giao thông và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Trường Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mo-hinh-xe-dap-cong-cong-gop-phan-xay-dung-do-thi-xanh-tai-dak-lak-355959.html