Mở hướng giảm nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nguyên Bình mong muốn cây dược liệu trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo sinh kế, mở ra hướng giảm nghèo và phát triển kinh tế cho người dân.

Báo cáo của UBND huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) cho thấy địa phương này đã và đang tích cực triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác giảm nghèo đa chiều và giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, năm 2023, huyện có 576 hộ thoát nghèo, tỷ lệ giảm 6,58%, hiện còn 4.120 hộ nghèo (chiếm hơn 44% tổng số hộ toàn huyện); số hộ cận nghèo hiện gần 1.900 tương đương trên 20%.

Để chăm lo cho người dân nghèo nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bù đắp các chiều thiếu hụt, đặc biệt về việc làm, Nguyên Bình cũng đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng cường đào tạo cho người dân nghèo.

Huyện tích cực thực hiện quy chế phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, đến nay có 44 lao động đăng ký đi làm việc; hỗ trợ 12 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với số tiền trên 174 triệu đồng. Trong năm qua, hơn 930 lao động được giải quyết việc làm mới, vượt kế hoạch giao.

Nguyên Bình chăm lo cho người dân nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bù đắp các chiều thiếu hụt.

Nguyên Bình chăm lo cho người dân nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bù đắp các chiều thiếu hụt.

Với mục tiêu đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, năm qua từ tổng nguồn vốn gần 11,3 tỷ đồng, huyện triển khai thực hiện 17 dự án tại các xã và thị trấn.

Vũ Minh là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Nguyên Bình. Tại xóm Lũng Ỉn có 70 hộ, gần 400 nhân khẩu, 100% hộ là dân tộc Dao. Năm 2024, xóm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển nông nghiệp. Ngoài gieo trồng 65 ha ngô, 10 ha lúa, 1 ha đỗ tương, 12 ha lạc..., người dân nơi đây cũng hào hứng với phong trào sản xuất chăn nuôi. Cả xóm có 630 con lợn, gần 200 con trâu, bò và trên 3.000 con gia cầm.

Đặc biệt, mô hình chăn nuôi lợn đen và chăn nuôi trâu, bò vỗ béo được duy trì phát triển trong năm 2024. Từ mô hình này, nhiều hộ thoát nghèo và cho thu nhập ổn định, đời sống của nhân dân ngày càng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm.

Xã Vũ Minh cũng là một trong những địa phương tại Nguyên Bình tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở ra hướng giảm nghèo mới bằng trồng cây dược liệu. Đây là một trong những xã trong quy hoạch vùng trồng dược liệu quý quy mô trên 2.000 hecta của huyện.

Đơn cử tại xóm Vũ Ngược, xã Vũ Minh, 10 hộ trong xóm đã tham gia trồng cây dược liệu quy mô gần 25 ha. Các cây được đưa vào trồng gồm hồi và quế. Đây là những cây trồng đa mục đích, có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Tham gia mô hình, các hộ được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng. Đến nay, xóm đã trồng 18 ha quế, 6 ha hồi, các cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Người dân tại Vũ Minh và nhiều xã được tuyên truyền, vận động chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây dược liệu, hoặc trồng xen vào diện tích cây ăn quả chưa cho thu hoạch. Vũ Minh cũng được lựa chọn là một trong hai xã nằm trong phương án triển khai nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu. Cụ thể, tại xóm Tân Thịnh của xã, huyện sẽ xây dựng vườn ươm, khu trồng dược liệu quý ứng dụng công nghệ cao và nhà máy chế biến dược liệu với diện tích 64 hecta.

UBND xã Vũ Minh cho biết hiện xã có khoảng gần 9 hecta quế, 1 hecta hồi được trồng tập trung tại các xóm: Vũ Ngược, Đồng Tâm, Nà Roỏng. Thời gian tới, bằng nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, xã tiếp tục vận động người dân nhân rộng mô hình, tiến tới thành lập hợp tác xã trồng và sản xuất, chế biến cây dược liệu nhằm tạo sinh kế, giải quyết chiều thiếu hụt việc làm cho người dân nghèo, hướng đến phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững tại địa phương.

Trên toàn huyện Nguyên Bình, thông qua các chương trình, dự án, nhiều loại cây dược liệu đã được trồng và ngày càng được nhân rộng. Hiện nay, toàn huyện có 1.782 ha quế, 186,11 ha cây dược liệu các loại như: gừng, nghệ, ấu tàu, cát sâm, hoài sơn, bồ kết, dổi ghép, sa nhân tím, cát cảnh, đương quy, khôi nhung tía, sâm Ngọc linh và sâm Lai Châu.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Nguyên Bình đã thể hiện hướng đi đúng khi tập trung phát triển các mô hình liên kết trồng cây dược liệu, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Quan trọng hơn, nhờ được đào tạo, tập huấn cập nhật kỹ thuật canh tác mới, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân tại Nguyên Bình dần thay đổi nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên, tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở..., cùng góp sức giảm nghèo cho chính gia đình và cộng đồng.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mo-huong-giam-ngheo-cho-nguoi-ngheo-nho-manh-dan-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-2321451.html