Tăng diện tích lúa theo hướng bền vững và giảm phát thải khí nhà kính
Từ 02 mô hình điểm triển khai trong sản xuất vụ lúa hè - thu năm 2024 trên địa bàn huyện Châu Thành theo Đề án 'Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030' (Đề án) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), qua tổng kết mô hình, đạt nhiều lợi ích mang đến cho nông dân, đặc biệt là tăng thêm giá trị lợi nhuận trong sản xuất từ 20 - 25%...
Phân tích những lợi ích khi tham gia vào mô hình sản xuất lúa theo Đề án, ông Nguyễn Văn Phúc, ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành cho biết: gia đình có 1,5ha tham gia sản xuất lúa theo Đề án, với giống lúa ST25. Qua thu hoạch, năng suất lúa đạt 07 tấn/ha và giá bán 10.200 đồng/kg; so với ngoài mô hình, năng suất tăng khoảng 0,7 tấn/ha. Trong đó, nhiều chi phí sản xuất giảm như: giống giảm 60%, phân bón giảm 20 - 30%, số lần phun thuốc từ 05 - 06 đợt/vụ giảm còn 02 đợt/vụ… trừ chi phí, vụ lúa hè - thu cho thu nhập 60 triệu đồng/ha. Với hiệu quả trên, trong vụ thu - đông, gia đình tiếp tục tăng diện tích sản xuất theo phương pháp của Đề án từ 1,5ha lên 2,5ha.
Ông Kiên Tâm, thành viên Hợp tác xã (HTX) Việt Thành, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè cho biết: qua tham quan thực tế tại 02 mô hình sản xuất lúa theo Đề án; thành viên HTX hưởng ứng rất cao khi được tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng cho các HTX. Riêng trong vụ lúa hè - thu, đối với HTX Việt Thành, hiệu quả kinh tế mang lại trong sản xuất khoảng 23 - 25 triệu đồng/ha, với quy trình canh tác mẫu từ 02 HTX trong Đề án, nếu các thành viên HTX Việt Thành (172ha/211 thành viên) áp dụng vào sản xuất vụ thu - đông năm 2024, thì giá trị sản xuất tăng thêm rất lớn (06 - 07 triệu đồng/ha). Đồng thời giúp nông dân, thành viên HTX bảo vệ môi trường thông qua việc giảm khí phát thải nhà kính trong sản xuất lúa…
Ông La Quốc Yên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng (xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: hiện HTX đang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại 02 ấp Ngãi Hiệp và Ngãi Lợi (xã Hưng Mỹ) với diện tích 80ha/100 hộ tham gia. Từ mô hình sản xuất lúa theo Đề án, đây cũng là dịp để HTX tiếp tục hoàn chỉnh quy trình canh tác của HTX gắn với tăng trưởng xanh (giảm phát thải khí nhà kính) trong sản xuất lúa, không chỉ làm tăng giá trị sản phẩm hạt gạo của HTX (gạo Hạt ngọc Châu Long, đạt OCOP 4 sao), mà còn giúp thành viên HTX có thêm giá trị tăng thêm qua ứng dụng quy trình canh tác lúa theo Đề án.
Cũng theo ông La Quốc Yên, khi chưa áp dụng quy trình theo Đề án, hiện thu nhập của thành viên HTX trong sản xuất lúa đạt khoảng 2,2 - 2,3 triệu đồng/ha. Theo đó, trong vụ thu - đông năm 2024, HTX đang triển khai cho các thành viên sản xuất theo Đề án. Trước mắt, với quy trình trên, nông dân giảm khoảng 100kg phân hóa học/ha (tương đương 1,3 triệu đồng/ha) và số lần phun thuốc giảm 60 - 70%.
Có thể khẳng định qua 02 mô hình sản xuất lúa theo Đề án, đã đem lại giá trị gia tăng thêm 650 triệu đồng/100ha/84 hộ; năng suất tăng hơn so với ngoài mô hình khoảng 0,5 tấn/ha, tổng sản lượng lúa tăng thêm 50 tấn/100ha… góp phần bảo vệ môi trường qua giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác lúa.
Theo Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 16/8/2024 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2024; đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết: với kế hoạch đăng ký sản xuất lúa ở vụ thu - đông theo Đề án, hơn 800ha; như vậy, từ quy trình canh tác theo Đề án, sẽ giúp các thành viên HTX và nông dân có giá trị gia tăng thêm trên 05 tỷ đồng nhờ tiết kiệm chi phí sản xuất khi ứng dụng quy trình canh tác (lượng giống sử dụng từ 60 - 70kg/ha; giảm từ 90 - 100kg/ha so với sản xuất truyền thống. Số lần phun thuốc 02 lần/vụ, giảm từ 04 - 05 lần/vụ, lượng phân hóa học giảm khoảng 30%...).