Mở hướng phát huy tiềm năng du lịch chùa Hương
Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn là điểm hành hương quen thuộc của các phật tử, điểm đến của nhiều khách du lịch trong nước và ngoài nước.
Để phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng du lịch, rất cần cơ chế, chính sách thu hút các nguồn đầu tư lớn, cách làm sáng tạo nhằm phát triển du lịch bền vững, có tính đến kết nối.
Hơn một triệu du khách đến với chùa Hương sau 3 tháng lễ hội
Theo Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, sau 3 tháng khai hội đã có 1.051.543 lượt khách về trẩy hội, hành hương về với khu di tích thắng cảnh Hương Sơn. Đây cũng là giai đoạn đông khách nhất năm nên công tác đảm bảo du lịch an toàn văn minh, trật tự đã được chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc chu đáo.
Trưởng ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển chia sẻ: “So với các năm trước, năm nay, Lễ hội chùa Hương có nhiều đổi mới, tạo thuận lợi cho du khách, tránh được tình trạng lộn xộn. Ban tổ chức đổi mới hình thức bán vé tham quan, dịch vụ thuyền, đò từ hình thức truyền thống sang bán vé và kiểm soát vé điện tử.
Ban tổ chức sắp xếp lại khu vực bán vé cho hợp lý với việc bỏ bán vé tại 3 vị trí cổng, gồm: Tiên Mai, Đục Khê… để đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách về tham quan trẩy hội. Ban Tổ chức đã đưa vào 10 trụ kiểm soát vé điện tử (kiểm soát bằng mã QR code), đồng thời bổ sung kiểm soát bằng các thiết bị cầm tay, đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng được số lượng lớn du khách qua trạm zíc zắc”.
Việc chuyển đổi bán vé sang hình thức điện tử đã đem lại sự văn minh, công tác điều hành, kiểm soát đảm bảo minh bạch, thuận tiện. Đáng chú ý, từ ngày 24/4/2023 Hợp tác xã điều hành vận tải đường thủy và dịch vụ du lịch chùa Hương được thành lập chính thức đi vào hoạt động phục vụ việc vận chuyển đón khách về thăm quan lễ phật ngoài Lễ hội.
Nếu như những năm trước, công tác trông giữ phương tiện cho du khách tổ chức chưa quy củ, xuất hiện nhiều bãi xe tự phát của người dân với giá vé không cố định, gây ùn tắc giao thông, thì năm nay, Ban tổ chức đã giao cho 1 đơn vị tư nhân, thống nhất một giá vé với 3 điểm trông giữ xe.
Đối với công tác đưa đón khách bằng thuyền, đò và xe điện cũng được huyện Mỹ Đức thực hiện nghiêm túc, những vấn đề còn tồn tại từ đầu mùa lễ hội đã được lực lượng chức năng huyện chấn chỉnh kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh khẳng định: “UBND huyện cũng đã tăng cường công tác chỉ đạo các chủ thuyền, đò bố trí đầy đủ phao cứu sinh, giỏ đựng rác, gắn biển quản lý và chấp hành nghiêm việc chở đúng số lượng khách theo quy định”.
Tính từ ngày khai hội đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hàng chục chủ phương tiện vi phạm quy chế Ban tổ chức lễ hội với lỗi không trang bị áo phao cứu sinh và giỏ đựng rác; xử lý phương tiện dừng đỗ sai quy định ở đường đi bộ, lập biên bản ký cam kết 22 xuồng máy có gắn động cơ không được chở khách sai quy định của Ban tổ chức, lập biên bản xử lý 7 xuồng máy không đủ các giấy phép hoạt động; thu giữ 2 xuồng bán hàng rong trái phép trên suối Yến; lập 13 biên bản phương tiện vi phạm an toàn giao thông đường bộ, xử phạt 98,7 triệu đồng; thu giữ 60 biển quảng cáo làm cản trở giao thông; lập biên bản xử lý hành chính 30 chủ thuyền đò với lỗi không trang bị áo phao, giỏ đựng rác. Tổ chức cấp phát 1.000 dụng cụ nổi, 150 phao cứu sinh và 360 áo phao cho các chủ thuyền, đò.
Hiện nay không còn xuồng có gắn động cơ hoạt động chở khách trên suối Yến nhằm đảm bảo an toàn cho các đò khác, giữ gìn nét đẹp tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Những ngày khách đông không còn xảy ra hiện tượng ùn tắc thuyền, đò.
Với tổng số 3.792 thuyền, đò đều đã được gắn biển giúp thuận tiện cho công tác quản lý. Ngoài ra lực lượng chức năng huyện cũng đã kiểm tra, xử lý 3 cơ sở kinh doanh đồ chơi, phạt tiền 24 triệu đồng, buộc thu và tiêu hủy 2.000 sản phẩm hàng hóa là đồ chơi trẻ em súng, kiếm... trị giá 85 triệu đồng.
Nhìn chung sau 3 tháng lễ hội đã diễn ra đúng với phương châm “Lễ hội Chùa Hương an toàn, văn minh, thân thiện” các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các nghi lễ, tín ngưỡng tại các khu vực đền, chùa; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn cho du khách thăm quan, trẩy hội.
Khai thác đa dạng tiềm năng du lịch danh thắng Hương Sơn
Điểm nổi bật của danh thắng Hương Sơn là Lễ hội Chùa Hương tổ chức với quy mô lớn, kéo dài 3 tháng mùa Xuân và diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tâm linh. Mỗi năm quần thể Hương Sơn đón khoảng 1,5 triệu khách. Trong đó, hơn 90% du khách đến với Hương Sơn vào dịp Lễ hội Chùa Hương.
Tuy nhiên, khách tham quan lâu nay vẫn thường chỉ đi từ đền Trình, qua suối Yến, vào chùa Thiên Trù, động Hương Tích và kết thúc hành trình, rất lãng phí. Trong khi đó toàn khu vực hiện có 21 điểm di tích, thắng cảnh độc đáo, một vùng non nước bao la.
Cùng với đó, ít ai biết rằng trong 9 tháng còn lại, cảnh sắc Hương Sơn cũng rất đẹp. Từ tháng 5 đến tháng 8, những cánh đồng sen vào mùa hoa nở, mùi hương thơm ngát. Sang tháng 9, 10 có khi kéo dài đến hết năm, một vùng rộng lớn hoa súng trổ bông, vẻ đẹp mê lòng người.
Từ đó có thể phát triển loại hình du lịch thăm quan, chụp ảnh vào mùa hoa sen tại xã An Phú, mùa hoa súng ở Hương Sơn; xây dựng thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp, làng nghề...
Các sản phẩm du lịch này sẽ được xâu chuỗi và tổ chức quảng bá với hình thức festival để kết nối với các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch nhằm phát triển thương hiệu du lịch Mỹ Đức đạt hiệu quả cao hơn nữa. Những lợi thế này có thể quy hoạch phát triển du lịch sinh thái và khai thác nguồn lực tiềm ẩn của khu danh thắng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cũng chia sẻ thêm: Để thực phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt gắn với phát triển du lịch văn hóa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mỹ Đức lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đưa ra 3 khâu đột phá, trong đó tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư; đổi mới công tác quản lý phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.
Bên cạnh đó, huyện Mỹ Đức cũng ban hành các chương trình, nghị quyết, đề án để tập trung khai thác, phát huy những lợi thế phát triển văn hóa du lịch trên địa bàn huyện.
Trong đó, huyện Mỹ Đức đề ra những chỉ tiêu cụ thể, đó là: Phấn đấu đến năm 2025 đón 2 triệu lượt khách/năm, 50.000 lượt khách quốc tế. Năm 2030 đón 4 triệu lượt khách/năm, trong đó 1 triệu lượt khách quốc tế. Giá trị sản xuất du lịch - dịch vụ tăng bình quân 10 - 15%/năm; cơ cấu kinh tế ngành du lịch - dịch vụ chiếm khoảng 45,4%; doanh thu từ dịch vụ - du lịch năm 2025 là 1.500 tỷ đồng; hằng năm giải quyết khoảng 4.000 việc làm phục vụ trong lĩnh vực du lịch.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 13/4/2023 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Theo nhiệm vụ quy hoạch, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 8.200ha, gồm toàn bộ không gian, diện tích tự nhiên các xã: Hương Sơn, An Tiến, An Phú và Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích là 4.960,06ha, bao gồm: Diện tích Khu vực bảo vệ I là 2.759,32ha; diện tích khu vực bảo vệ II là 1.198,81ha (theo Biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn) và khu vực nghiên cứu, dự kiến mở rộng vùng phụ cận nhằm phát huy giá trị có diện tích là 981,93ha. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt chùa Hương, với các giá trị đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan và đa dạng sinh học.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mo-huong-phat-huy-tiem-nang-du-lich-chua-huong.html