Mở hướng thoát nghèo bền vững ở La Dêê sau sáp nhập
Với 99% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, xã La Dêê (mới) sau sáp nhập thuộc Tp. Đà Nẵng đang mở hướng thoát nghèo bền vững cho người dân nơi đây thông qua các mô hình kinh tế mới, tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ cùng HTX, khơi dậy tiềm năng sản xuất hàng hóa với những nông sản có thế mạnh.
Xã La Dêê (mới) được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã cũ là La Dêê và Đắc Tôi thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trước đây. Đây là địa bàn vùng cao biên giới với 99% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, dù còn bộn bề khó khăn nhưng cuộc sống đang từng bước đổi thay, đã bớt khổ, bớt nghèo.
Từng bước thay đổi cuộc sống
Trên địa bàn xã La Dêê (cũ), mô hình trồng rừng gỗ lớn kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, mở bán tạp hóa, đào ao thả cá… đang được nhân rộng tại các khu dân cư, đem lại thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở La Dêêtừngbước thay đổi cuộc sống nhờ áp dụng mô hình kinh tế mới.
Như gia đình chị Blúp Yến, người dân tộc thiểu số ở thôn Công Tơ Rơn, trước đây từng là hộ khó khăn của xã. Do thiếu vốn làm ăn, lại chưa có tư duy phương thức sản xuất mới nên thời gian dài cuộc sống gặp khó khăn.
Có vốn làm ăn và mô hình kinh tế mới, chị Blúp Yến được chọn đi tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế, từng bước thay đổi cuộc sống bằng hành trình giảm nghèo bền vững.
Nhờ vậy, đến nay mô hình trang trại chăn nuôi của chị Yến có gần 100 con heo đen và đàn bò, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng chị còn trồng thêm vườn keo, rau sạch, nấu rượu, mở tiệm máy xay xát gạo… phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Từ chỗ thiếu ăn, nay cuộc sống của gia đình chị đã khấm khá.
Hoặc như gia đình anh Chờ Rum Thương, người dân tộc thiểu số ở thôn Đắc Chờ Đay, đang canh tác hàng trăm cây cam Vinh cho năng suất cao trên mảnh đất đồi rộng 1ha mang lại thu nhập ổn định.
Anh Thương cho biết nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ cấp giống, triển khai các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đã giúp nhiều hộ dân mạnh dạn đăng ký trồng cam Vinh với kỳ vọng mô hình sẽ tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Tuy là vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn nhưng bước đầu bà con đã phát triển trồng rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả và dần dà có được nguồn thu nhập ổn định. Tổng diện tích trồng keo trên địa bàn xã La Dêê (cũ) đã phát triển hơn 220 ha.
Yên tâm vì có HTX
Đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, La Dêê định hướng tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về nguồn lực đầu tư, điều kiện đất đai để đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi theo mô hình liên kết.

Mô hình trồng cam Vinh ở La Dêê được kỳ vọng sẽ tạo nguồn thu nhập cao cho bà con dân tộc thiểu số.
Để tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, bên cạnh vận động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cung ứng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm, giúp hình thành nên HTX Nông nghiệp La Dêê.
Sau 3 năm hoạt động, HTX này có gần 20 thành viên, với nông sản chủ lực là măng nứa khô đạt chuẩn OCOP 3 sao và đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận sản phẩm nếp than đạt chuẩn OCOP 3 sao
Bà Brao Thướp, một người dân tộc thiểu số ở thôn Đăk Ốc ở xã La Dêê (mới), cho biết trước đây trồng trọt nhưng không biết bán nông sản ở đâu, ăn thì không xuể. Nhưng từ khi có HTX Nông nghiệp La Dêê hỗ trợ trong việc mua bán giúp nên đã yên tâm hơn. Bản thân gia đình trồng măng, chuối bán cho HTX và có thu nhập khá hơn trước.
HTX Nông nghiệp La Dêê đã góp phần tích cực trong việc mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Nhất là HTX đã tạo được sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cung ứng cũng như nâng cao được khả năng xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm là đặc sản địa phương.
HTX này thời gian qua đã liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản miền núi của 200 hộ đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng vùng biên giới nơi đây. Ngoài ra, HTX còn thực hiện liên kết với người dân để chăn nuôi heo cỏ địa phương.
Về phía Liên minh HTX Việt Nam cũng dành sự quan tâm rất lớn đến việc phát triển kinh tế hợp tác ở các địa phương vùng cao biên giới với dân số chủ yếu là người dân tộc thiểu số như La Dêê. Thời gian qua, các đơn vị thuộc hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp cùng Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây và nay là Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng đã thực hiện nhiều nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách hiệu quả, trong đó có vùng đất La Dêê, nhằm giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có điều kiện thoát nghèo.
Như với HTX Nông nghiệp La Dêê, các đơn vị thuộc hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã tạo nhiều điều kiện cho HTX này khơi nguồn bứt phá kinh tế ở La Dêê thông qua việc hỗ trợ phát triển và quảng bá sản phẩm OCOP, tập huấn kiến thức về liên kết chuỗi giá trị, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…
Tạo ra hướng đi mới để thoát nghèo
Còn nói đến địa bàn xã Đắc Tôi (cũ) - nơi có đến 99% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống (chủ yếu là người dân tộc Tà Riềng - một nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng), thời gian qua đã thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất theo hướng phát triển đa dạng mô hình nông - lâm nghiệp gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua đó giúp cho bà con nơi đây phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.

HTX Nông nghiệp La Dêêđang liên kết với bàcon dân tộc thiểu số ở địa phương để chăn nuôi heo cỏ.
Điển hình như từ ông Pơloong A Blô, người Tà Riềng, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, ông đã phát triển chăn nuôi gia súc. Hiện nay, đàn bò của ông đã có hơn 20 con, đàn heo rừng lai giống 30 con cho nguồn thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
Hoặc như chị Chơ Rum Thị Hếm, 41 tuổi, người dân tộc Tà Riềng tại thôn Đắc Tà Vâng, đã rất tích cực tham gia phong trào do địa phương phát động, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần nâng cao mức sống cho gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ buôn bán và nhận may gia công các loại vải thổ cẩm tại nhà. Ngoài ra, vợ chồng chị còn chăn nuôi lợn giúp thu nhập tăng lên đáng kể.
Nhờ có những chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp nên đến với địa bàn xã Đắc Tôi (cũ) như hiện nay sẽ thấy có những hình ảnh thay đổi với đan xen nhà cửa được sửa sang là những con đường bê tông nông thôn rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát…
Có thể nói, với những những gì đã làm được, từ việc sáp nhập hai xã cũ là La Dêê và Đắc Tôi thành xã La Dêê (mới), tin rằng với khí thế mới sẽ giúp cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, điều quan trọng là cần nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, khơi dậy tiềm năng sản xuất hàng hóa đối với nông sản có thế mạnh ở xã La Dêê (mới), tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các loại sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương. Qua đó, góp phần giải quyết bài toán việc làm, tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, chính quyền xã La Dêê (mới) sau sáp nhập cũng cần khuyến khích HTX Nông nghiệp La Dêê tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chế biến để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh khả năng liên kết và tiêu thụ nông sản của người bà con dân tộc thiểu số.