5 điểm mới nổi bật trong Luật Nhà giáo 2025

Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, lần đầu tiên quy định toàn diện về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chính sách dành riêng cho đội ngũ nhà giáo.

Sáng 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Văn phòng UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn về hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo và chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục, nhân sự trường học trong bối cảnh mới. Đây là hoạt động trọng tâm trong tiến trình triển khai Luật Nhà giáo vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2025 tại Kỳ họp thứ 9, khóa XV.

Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, lần đầu tiên quy định toàn diện về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chính sách dành riêng cho đội ngũ nhà giáo. Đây là dấu mốc lịch sử, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh và phát triển lực lượng nòng cốt của sự nghiệp giáo dục.

Hội thảo diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Nhiều ý kiến được đóng góp xoay quanh 5 điểm đột phá nổi bật của luật gồm: Khẳng định vị thế và bảo vệ danh dự nghề giáo, xử lý nghiêm hành vi xúc phạm nhà giáo; Xếp lương nhà giáo cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, kèm phụ cấp ưu đãi, đặc thù; Chính sách thu hút, hỗ trợ toàn diện cho nhà giáo công lập và ngoài công lập, nhất là vùng khó khăn; Chuẩn hóa đội ngũ thông qua hệ thống chuẩn nghề nghiệp thống nhất; Tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, giao ngành chủ động tuyển dụng, điều tiết nhân sự.

Bên cạnh việc lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, hội thảo cũng là dịp để lắng nghe chia sẻ quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn từ địa phương, góp phần hoàn thiện chính sách sát thực, đồng bộ, sẵn sàng cho giai đoạn triển khai Luật Nhà giáo bắt đầu từ 1/1/2026.

Tuyết Nhung

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/5-diem-moi-noi-bat-trong-luat-nha-giao-2025-347318.htm