TP. Hồ Chí Minh hướng đến công nghiệp xanh, thông minh

TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh công nghiệp hiện đại, thông minh, xanh và bền vững, khẳng định vai trò trung tâm sản xuất và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước.

Quyết tâm đưa công nghiệp trở thành trụ cột tăng trưởng bền vững

Sáng 17/7/2025, tại Trung tâm Hội nghị triển lãm BCEC (phường Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh), tọa đàm chuyên đề với chủ đề "Động lực phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - Từ tiềm năng đến hành động" đã chính thức diễn ra.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà và lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chủ trì tọa đàm. Ảnh: Minh Khuê

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà và lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chủ trì tọa đàm. Ảnh: Minh Khuê

Sự kiện do UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp cùng các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tổ chức, thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu, khách mời gồm chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà đầu tư và đại diện cơ quan quản lý.

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt sau sự kiện sáp nhập hai địa phương công nghiệp trọng điểm là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc định hình lại vai trò và phát huy tối đa tiềm năng công nghiệp của vùng “TP. Hồ Chí Minh mở rộng” trở nên cấp thiết nhằm tạo đột phá mới cho tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Phát biểu tại sự kiện, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, công nghiệp đã và đang khẳng định vai trò là một trong những động lực tăng trưởng trụ cột của thành phố.

Với quy mô dân số gần 14 triệu người, GRDP năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh đã vượt 104 tỷ USD, tiếp tục giữ vững vị thế trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại lớn nhất cả nước. Khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 30% GRDP, là nền tảng để thành phố hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số trong những năm tới.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, để công nghiệp thực sự trở thành động lực lan tỏa, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt nhiều thách thức: Chi phí logistics còn cao (chiếm 16-20% giá thành sản phẩm), quỹ đất sạch hạn chế, chi phí tiếp cận mặt bằng lớn, công nghệ sản xuất lạc hậu, tự động hóa thấp, năng suất lao động mới đạt 60% so với các đô thị công nghiệp phát triển. Đặc biệt, việc Hoa Kỳ áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa bàn sản xuất trọng điểm sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp nội địa và FDI, đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sản phẩm.

Tọa đàm lần này nhằm tìm lời giải cho câu hỏi lớn: Làm gì để công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trở thành trụ cột phát triển bền vững, gắn với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế đô thị hiện đại?

Trên tinh thần cầu thị và đổi mới, người đứng đầu Sở Công Thương đề xuất tập trung thảo luận sâu vào 5 nhóm vấn đề trọng tâm: Phát triển đồng bộ hạ tầng công nghiệp - logistics - năng lượng; đổi mới công nghệ, tự động hóa và nâng cao năng suất lao động; cơ chế thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ; chiến lược nguồn nhân lực kỹ thuật cao; và phát triển công nghiệp xanh, kiểm soát ô nhiễm và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Tái cấu trúc không gian công nghiệp để phát triển bền vững

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung phân tích những cơ hội và thách thức của TP. Hồ Chí Minh mới trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Với vai trò là trung tâm kinh tế - công nghiệp - đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, TP. Hồ Chí Minh không chỉ là hạt nhân của công nghiệp quốc gia, mà còn giữ vai trò trung tâm logistics và chuỗi giá trị toàn cầu của vùng Đông Nam bộ.

Một trong những nội dung trọng tâm của tọa đàm là xác định chiến lược phát triển công nghiệp sau sáp nhập. Việc mở rộng không gian kinh tế, dân số, GRDP và hạ tầng công nghiệp đã mang lại cho TP. Hồ Chí Minh mới những lợi thế cạnh tranh rõ rệt. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng này, TP. Hồ Chí Minh cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “cộng gộp địa lý” sang “tích hợp chuỗi giá trị”, với sự phân vai rõ ràng giữa các trung tâm và vùng vệ tinh, hình thành cực sản xuất thông minh - xanh - sáng tạo.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright). Ảnh: Minh Khuê

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright). Ảnh: Minh Khuê

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cho rằng, TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ vai trò đầu tàu công nghiệp sau sáp nhập, nhưng muốn phát triển bền vững cần tái cấu trúc không gian công nghiệp. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh cũ giữ vai trò "bộ não" vùng - nơi tập trung R&D, tài chính, kiểm định và điều phối sản xuất; Bình Dương (cũ) và Đồng Nai là trung tâm sản xuất công nghệ cao; Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đảm nhiệm xuất nhập khẩu và năng lượng; Long An trở thành trung tâm công nghiệp thực phẩm; Tây Ninh, Bình Phước (cũ) là vệ tinh cung cấp nguyên liệu và logistics biên giới.

Ông Tuấn nhấn mạnh, "chất keo" gắn kết không gian công nghiệp - đô thị - logistics giữa các địa phương sẽ quyết định sức bật và năng lực cạnh tranh của TP. Hồ Chí Minh trên bản đồ công nghiệp Đông Nam Á. Muốn vậy, thành phố cần khẩn trương hoàn thiện thể chế tích hợp, tận dụng hiệu quả các nghị quyết trung ương như Nghị quyết 57 (về khoa học công nghệ), Nghị quyết 66 (về cải cách thể chế) hay Nghị quyết 68 (về phát triển kinh tế tư nhân).

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Hải - Kiến trúc sư trưởng Tổng công ty Becamex IDC - chia sẻ: Bình Dương cũ (nay là phía Bắc TP. Hồ Chí Minh) đã có quy hoạch phát triển theo chiều sâu từ hơn 25 năm trước, hợp tác với Singapore để xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hiện đại. Khu vực này tập trung giao thông công cộng, năng lượng thông minh, xử lý chất thải bền vững và mô hình TOD. Theo ông Hải, việc sáp nhập Bình Dương vào TP. Hồ Chí Minh không chỉ giúp mở rộng không gian mà còn tạo nền tảng để đưa các chiến lược công nghiệp công nghệ cao vào thực tiễn.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), Chủ tịch Tập đoàn Tân Đông Hiệp - cũng đề xuất thành phố cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2040, xác định vai trò trụ cột của công nghiệp thực phẩm trong cơ cấu công nghiệp. Đồng thời, cần quy hoạch lại các khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành, hiện đại, kết nối vùng nguyên liệu, đảm bảo hạ tầng xử lý nước thải đạt chuẩn và thuận tiện xuất khẩu.

Bà Kim Chi kiến nghị xây dựng trung tâm logistics lạnh tại các đầu mối như Cái Mép - Thị Vải; phát triển các trung tâm R&D, kiểm nghiệm độc lập, cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành thực phẩm. Đặc biệt, cần thí điểm cơ chế một cửa liên thông đặc biệt cho các dự án công nghiệp trọng điểm, nhằm tháo gỡ vướng mắc thủ tục, quy hoạch và đất đai.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà

Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh: Trước bối cảnh và xu thế mới, thành phố cần chuyển mạnh mô hình phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh, phát triển công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn và nâng cấp chuỗi giá trị. Việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác công - tư, liên kết vùng là yêu cầu cấp thiết.

Phó Chủ tịch đề cao vai trò liên kết giữa ba nhà: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo Sở Công Thương sớm tổng hợp các ý kiến tại tọa đàm, đề xuất giải pháp chuyển đổi công nghiệp toàn diện. Các sở, ngành liên quan cần triển khai ngay nhiệm vụ theo chức năng: Từ điều chỉnh quy hoạch, phát triển ngành trọng điểm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần tiên phong đổi mới công nghệ, đầu tư xanh và nâng cao năng suất. Tất cả cùng hành động, chung tay “biến tiềm năng thành hành động” để TP. Hồ Chí Minh bứt phá trở thành vùng công nghiệp hiện đại, bền vững và tích hợp.

Tọa đàm khẳng định TP. Hồ Chí Minh mới phải là trung tâm đổi mới sáng tạo, logistics và tích hợp chuỗi giá trị toàn cầu của vùng Đông Nam bộ. Đây không chỉ là diễn đàn góp ý chuyên sâu, mà còn là bước đệm để hình thành các chính sách hiệu quả, tạo động lực mới đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành vùng công nghiệp tiên phong, hội nhập, xanh và bền vững của cả nước và khu vực.

Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-huong-den-cong-nghiep-xanh-thong-minh-410929.html