Mở hướng thoát nghèo từ trồng vầu
Vầu là loại cây lâm nghiệp, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của các huyện miền núi, đặc biệt là ở các huyện miền núi biên giới. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây vầu mang lại, những năm qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương vận động người dân mở rộng diện tích và đầu tư phục tráng rừng vầu. Hiện, cây vầu đang là cây 'xóa đói, giảm nghèo' ở miền núi xứ Thanh.
Cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn đến thăm mô hình trồng vầu của gia đình anh Vi Văn Phiên ở bản Hậu (xã Tam Lư), chúng tôi được anh cho biết: Trước đây diện tích rừng của gia đình được trồng cây luồng và các loại cây lâm nghiệp khác nên hiệu quả kinh tế thấp. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây vầu, gia đình anh quyết định phá bỏ một số diện tích cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây vầu. Gia đình được Nhà nước hỗ trợ phân bón cũng như chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong chăm sóc cây vầu theo Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025.
Đến nay, gia đình anh đã trồng được trên 3ha vầu. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên diện tích vầu của gia đình anh phát triển tốt. Hiện toàn bộ diện tích vầu của gia đình đã được cấp chứng chỉ quốc tế FSC. Cây vầu được bán cho các doanh nghiệp làm mây tre đan, bột giấy, đồ trang trí thủ công mỹ nghệ, tăm, đũa... Nhờ trồng cây vầu mà gia đình anh đã thoát nghèo và trở thành hộ khá giàu của xã.
Trưởng Phòng sử dụng và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đình Thái cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9.500ha vầu thâm canh, được phân bố tại các huyện Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Mường Lát, trong đó diện tích vầu tập trung chủ yếu tại huyện Quan Sơn, với 7.800ha.
Để bảo tồn, nâng cao giá trị và phát triển bền vững cho cây vầu, những năm qua UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ thâm canh rừng vầu, hỗ trợ làm đường lâm nghiệp vùng trồng rừng sản xuất tập trung và hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân tham gia trồng vầu để cấp chứng chỉ FSC; tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập HTX, nhóm hộ, chủ rừng để quản lý, bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ rừng gắn với các cơ sở chế biến. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4.292ha vầu được cấp chứng chỉ quốc tế FSC (chủ yếu tại Quan Sơn), chiếm 45% diện tích vầu toàn tỉnh; đồng thời đã hình thành 2 chuỗi liên kết giữa các cơ sở chế biến và người trồng vầu. Theo đánh giá, đến kỳ cho thu hoạch, 1ha vầu cho thu nhập từ 60 đến 75 triệu đồng.
Để tiếp tục phát triển, nâng cao giá trị rừng vầu, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và thâm canh cây vầu; tiếp tục rà soát diện tích vầu bị thoái hóa để trồng giống vầu chất lượng cao thay thế; có giải pháp kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về kinh tế, khoa học - công nghệ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu; hướng dẫn các HTX, hộ gia đình xây dựng vùng nguyên liệu vầu gắn với cấp chứng chỉ FSC theo chuỗi.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/mo-huong-thoat-ngheo-tu-trong-vau-237324.htm