Mở khóa bí ẩn Vương quốc Cổ Thục
Các nhà khảo cổ học ở Tây Nam Trung Quốc đã phát hiện một chiếc hộp hình vỏ rùa và một bàn thờ cúng tế nằm trong số kho báu gồm 13.000 di vật có niên đại hơn 3.000 năm.
Một chiếc hộp hình vỏ rùa và một bàn thờ hiến tế nằm trong số kho báu gồm 13.000 cổ vật có niên đại hơn 3.000 năm tuổi mới đây đã được các nhà khảo cổ học ở Tây Nam Trung Quốc khai quật.
Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin hôm 13/6 rằng, các cổ vật - trong đó có nhiều cổ vật được làm bằng vàng, đồng và ngọc bích - đã được khai quật trong 6 hố tại khu di chỉ khảo cổ huyền thoại Tam Tinh Đôi, gần Thành Đô.
Các nhà sử học hiểu biết tương đối ít ỏi về nền văn hóa Tam Tinh Đôi - một nền văn hóa không được lưu truyền bằng bất cứ văn bản hay di tích con người nào, mặc dù nhiều người tin rằng nơi đây là một phần của Vương quốc Thục cổ đại.
Nhiều người hy vọng rằng những phát hiện mới nhất sẽ làm sáng tỏ những bí ẩn về Vương quốc Cổ Thục - Vương quốc cai trị ở lưu vực phía Tây tỉnh Tứ Xuyên, dọc theo thượng nguồn dòng sông Dương Tử cho đến khi vùng đất này bị chinh phục vào năm 316 trước Công nguyên.
Một nhóm các nhà khảo cổ học từ Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên, Đại học Bắc Kinh, Đại học Tứ Xuyên cùng các cơ quan nghiên cứu khác đã tiến hành khai quật 6 hố tại địa điểm này kể từ năm 2020.
Trong cuộc khai quật gần đây nhất, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 3.155 cổ vật còn tương đối nguyên vẹn, trong đó có hơn 2.000 món đồ sứ và tượng đồng, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã đưa tin.
Những phát hiện mới trong quá khứ
Các nhà nghiên cứu đã mô tả một chiếc hộp hình mai rùa được làm bằng đồng và ngọc bích là một trong những phát hiện hấp dẫn hơn cả của họ, đồng thời cho biết đây là lần đầu tiên họ phát hiện ra một món đồ như vậy.
“Sẽ không ngoa khi nói rằng kim khí là một loại cổ vật có một không hai, với hình dáng đặc biệt, sự khéo léo trong chế tác và thiết kế tinh xảo. Mặc dù chúng ta không biết kim khí này được sử dụng để làm gì, nhưng chúng ta có thể hiểu được rằng, người cổ đại rất trân trọng bảo vật này”, Li Haichao, một giáo sư tại Đại học Tứ Xuyên, nói với Tân Hoa xã.
Một bàn thờ bằng đồng cao gần 1 mét cũng đã được tìm thấy dưới một trong những hố khai quật, nơi những người thuộc nền văn minh Thục được cho là đã cúng dường trời, đất và tổ tiên của họ.
Dấu vết xung quanh các hố tre, lau sậy, đậu nành, gia súc và lợn rừng đã cho thấy tất cả những vật phẩm này đều được sử dụng để cúng tế.
Giao lưu văn hóa cổ đại
Ran Honglin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ Tam Tinh Đôi, nói với Tân Hoa xã rằng, sự đa dạng của các vật phẩm tại khu vực khảo cổ này đã cho thấy sự giao lưu văn hóa giữa các nền văn minh cổ đại ở Trung Quốc.
Ông Ran nói: “Nhiều di tích văn hóa được khai quật tại di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi cũng đã được nhìn thấy ở các địa phương khác tại Trung Quốc, chứng minh bằng chứng về sự giao lưu và hội nhập sớm của nền văn minh Trung Quốc.
Ông cũng lưu ý rằng, một trong những tác phẩm điêu khắc có đầu người và thân rắn chính là đặc trưng của nền văn minh Thục cổ đại, trong khi những bình nghi lễ được gọi là “zun” từ Tam Tinh Đôi lại là biểu tượng văn hóa của Trung Nguyên, một khu vực được gọi là trung tâm của vùng đồng bằng Trung Quốc.
Địa điểm khảo cổ rộng 12 km vuông đã khai quật được hàng nghìn hiện vật cổ kể từ khi một nông dân địa phương tình cờ tìm thấy khu vực này vào những năm 1920. Các kho báu như mặt nạ vàng nặng khoảng 100 gram, các cổ vật bằng ngà voi và một con dao bằng ngọc bích đều nằm trong số các hiện vật được phát hiện vào năm ngoái.
Mặc dù chưa được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, nhưng Tam Tinh Đôi vẫn nằm trong “danh sách dự kiến” mà tổ chức này đang xem xét.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mo-khoa-bi-an-vuong-quoc-co-thuc-5689004.html