Mở khóa động lực mới của nền kinh tế

Trung Quốc vừa công bố kế hoạch 5 năm, đặt mục tiêu tới năm 2029 có 70% dân số sống tại các khu vực đô thị. Đây được đánh giá là một bước ngoặt đáng kể trong nỗ lực giải quyết sự chênh lệch kinh tế và xã hội giữa cư dân thành thị và nông thôn; song kế hoạch này cũng làm dấy lên những thách thức về cơ sở hạ tầng, tài nguyên và hoài nghi về khả năng thực sự kích thích tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Động lực kinh tế của Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự mở rộng công nghiệp và thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ. Song, quốc gia này hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng dư thừa nhà ở, thay đổi về nhân khẩu học và lực lượng lao động thu hẹp, làm suy yếu tính bền vững của các mô hình tăng trưởng truyền thống.

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Các nhà kinh tế cho rằng, để phục hồi nền kinh tế, Trung Quốc cần chuyển hướng từ tăng trưởng do đầu tư dẫn dắt sang tăng trưởng tập trung vào tiêu dùng trong nước và phát triển khu vực dịch vụ. Chính vì vậy, cải cách hệ thống hộ khẩu được coi là đòn bẩy quan trọng trong quá trình chuyển đổi này, có khả năng giải phóng tính linh động của lao động cũng như thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, bằng cách đưa người di cư nông thôn vào nền kinh tế thành thị.

Kế hoạch đô thị hóa lấy con người làm trung tâm

Hiện khoảng gần 50% trong dân số 1,4 tỷ người Trung Quốc có hộ khẩu các khu vực nông thôn. Theo số liệu chính thức, tính tới cuối năm ngoái, hơn 66% dân số Trung Quốc sống tại các khu vực đô thị nhưng chỉ 48,3% có hộ khẩu thành phố. Điều này đồng nghĩa hàng trăm triệu người đang sống ở các thành phố nhưng không được hưởng các quyền lợi dành cho cư dân thành thị.

Với kế hoạch hành động 5 năm mới được Chính phủ Trung Quốc công bố, người dân nông thôn sẽ được tạo điều kiện về hành chính nếu họ muốn chuyển tới sống tại những thành phố có dân số dưới 5 triệu người. Kế hoạch hành động trên khuyến kích người dân nông thôn di cư tới các thành phố, đồng thời cam kết họ sẽ được hưởng những đặc quyền tương tự như dân thành thị. Hiện tại, hàng triệu người lao động di cư từ nông thôn lên thành thị ít được tiếp cận các quyền lợi như người dân thành phố do rào quản của hệ thống hộ khẩu.

Những người di cư từ nông thôn giờ đây có thể tự do đăng ký hộ khẩu tại những thành phố có dưới 3 triệu dân. Ở các thành phố có từ 3-5 triệu dân, các yêu cầu để đăng ký hộ khẩu cũng được “nới lỏng toàn diện”. Đối với các thành phố có quy mô dân số lớn hơn, chủ yếu là các thành phố trực thuộc trung ương và thành phố cấp tỉnh, hệ thống đánh giá để cấp hộ khẩu sẽ tiếp tục được duy trì nhưng các chính quyền được khuyến khích bỏ mức trần về số lượng đăng ký hộ khẩu hằng năm.

Hơn nữa, kế hoạch này còn nhấn mạnh vào các ưu đãi tài chính, đáng chú ý là gắn chuyển nhượng tài chính với tỷ lệ đô thị hóa. Chiến lược này khuyến khích hiệu quả các chính quyền địa phương đưa người di cư nông thôn vào, bằng cách liên kết lợi ích tài chính của họ với các ưu tiên quốc gia, giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn tài chính đã cản trở các nỗ lực cải cách trong quá khứ.

Ngoài ra, một khía cạnh quan trọng khác của kế hoạch còn là chiến lược khôi phục thị trường bất động sản đang bị trì trệ bằng cách khuyến khích người di cư nông thôn mua nhà. Cách tiếp cận kép này được thiết kế để thúc đẩy nhu cầu trong lĩnh vực bất động sản và mang lại cho người di cư một lợi ích hữu hình trong cuộc sống thành thị. Cùng với việc giải quyết các thách thức về nhà ở, thông qua kế hoạch này, các dịch vụ công và cơ hội đào tạo nghề cho người di cư sẽ được mở rộng hơn, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho trẻ em di cư.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định, tất cả các biện pháp được nêu trong kế hoạch hành động đều liên quan đến lợi ích cốt lõi của người dân, sau khi họ chuyển từ nông thôn đến thành phố và giải quyết nhiều vấn đề quan tâm của công chúng theo cách có hệ thống.

“Lấy con người làm trung tâm” có nghĩa là xây dựng đô thị hóa phải dựa trên mục đích cơ bản là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn; và “mới” không chỉ đề cập đến cơ sở hạ tầng công cộng mới mà còn là nâng cấp công nghiệp đô thị, phát triển xanh và quan trọng hơn là bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, để tất cả người dân đều có cơ hội theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Kế hoạch đô thị hóa mới lấy con người làm trung tâm dự kiến sẽ tiếp tục những nỗ lực đó theo nhu cầu thực tế của người dân và tình hình thực tế của đất nước.

Những thách thức của kế hoạch tham vọng

Tuy vậy, các chuyên gia nhận định rằng, việc thực hiện kế hoạch đầy tham vọng này sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể.

Đối với nhiều quan chức địa phương, hệ thống hộ khẩu là công cụ để quản lý quy mô dân số và duy trì trật tự xã hội. Việc chuyển đổi khỏi mô hình này đòi hỏi phải xem xét lại cơ bản về quản trị địa phương và phân bổ nguồn lực. Những lo ngại về tình trạng căng thẳng về nguồn lực có thể khiến một số quan chức do dự trong việc thực hiện cải cách, lo ngại dòng người di cư từ nông thôn đổ vào có thể làm quá tải cơ sở hạ tầng đô thị hiện có, từ nhà ở và phương tiện giao thông công cộng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Hơn nữa, cư dân thành thị có thể coi những người di cư là đối thủ cạnh tranh về việc làm và nguồn lực, có khả năng gây ra căng thẳng xã hội có thể làm suy yếu các mục tiêu của cải cách. Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong trường hợp các cơ hội kinh tế không được mở rộng đủ nhanh để đón nhận dòng người dân mới đổ về. Thách thức nằm ở việc, làm sao để bảo đảm các khu vực đô thị được chuẩn bị để tiếp nhận những cư dân mới, cũng như được trang bị để hòa nhập họ một cách hiệu quả vào nền kinh tế và xã hội địa phương.

Các ưu đãi tài chính được thiết kế để thúc đẩy chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch. Ý tưởng liên kết chuyển nhượng tài chính với tỷ lệ đô thị hóa là sáng tạo, gắn kết lợi ích địa phương với các mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, thành công của chiến lược này phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng quỹ một cách hiệu quả, đòi hỏi mức độ minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động của chính quyền địa phương, để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ cho cư dân mới.

Bên cạnh việc thúc đẩy đô thị hóa, kế hoạch còn nhằm quyết tình trạng dư thừa hàng tồn kho trên thị trường bất động sản, bằng cách khuyến khích người di cư từ nông thôn mua nhà ở các thành phố. Sáng kiến này có thể phải đối mặt với sự phản đối từ các chính quyền địa phương vì việc mở rộng cơ sở hạ tầng và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của cư dân mới đòi hỏi nguồn đầu tư đáng kể.

Thêm vào đó, việc đưa những người di cư nông thôn vào nền kinh tế đô thị có thể giúp giảm bớt một số thách thức nhân khẩu học như cải thiện và mở rộng lực lượng lao động, nhưng điều này cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội hiện có.

Kế hoạch cải cách hộ khẩu mới của Trung Quốc đưa ra một con đường đầy hứa hẹn hướng tới sự hội nhập kinh tế và công bằng xã hội lớn hơn, nhưng thành công của sáng kiến này cần vượt qua không chỉ những rào cản về hậu cần và tài chính, mà còn về đến thái độ xã hội cố hữu. Tuy nhiên nếu thành công, kế hoạch có thể xoa dịu tình trạng bất ổn của thị trường bất động sản và giải phóng nhu cầu trong nước; giải phóng cho động lực tăng trưởng mới của Trung Quốc.

Châu Anh (Theo Diplomat; Global Times; Tân Hoa Xã)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/mo-khoa-dong-luc-moi-cua-nen-kinh-te-i383555/