'Mở khóa' tiếp cận mặt bằng sản xuất, doanh nghiệp nhỏ có cơ hội lớn lên
Chính sách về đất đai trong Nghị quyết 68 được xem là một bước đi chiến lược, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ, start-up, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, để thực sự “mở khóa” được tiềm năng này, cần sự quyết tâm, đồng bộ, linh hoạt của các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhỏ có nhiều cơ hội tiếp cận mặt bằng sản xuất trong KCN. Ảnh: LH
Khơi thông mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ
Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt ra những định hướng chiến lược quan trọng nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất dễ dàng hơn. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là dành tối thiểu 5% diện tích đất trong các khu công nghiệp (KCN) cho các doanh nghiệp này, kèm theo chính sách ưu đãi giảm 30% tiền thuê đất trong vòng 5 năm.
Đây được coi là bước đột phá, mở ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp nhỏ có thể phát triển, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường ngày càng khốc liệt.
Thực tế, mặt bằng sản xuất, đất đai là yếu tố quyết định đến khả năng mở rộng, đầu tư của doanh nghiệp nhỏ. Song, thực tế lại đầy thách thức. Tại các thành phố lớn như TPHCM, đất đai cho sản xuất công nghiệp luôn trong tình trạng khan hiếm, giá thuê cao ngất ngưởng, khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực này.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM, chia sẻ “đất sạch” để sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố rất khan hiếm, giá thành lại rất cao, khiến các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp ở nội đô, gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp muốn dịch chuyển nhà máy ra ngoại thành hoặc mở rộng quy mô đều gặp trở ngại về đất đai và giá thuê. Điều này không chỉ hạn chế khả năng phát triển của doanh nghiệp mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế địa phương.
Tương tự, ngành dệt may, ngành chế biến thực phẩm hay đồ gỗ... cũng đối mặt với tình trạng thiếu mặt bằng phù hợp với quy mô của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và nhà khởi nghiệp thường phải thuê mặt bằng thổ cư hoặc các khu vực có diện tích nhỏ, gây khó khăn trong việc mở rộng quy mô, đầu tư bài bản và phát triển lâu dài.
Thực tế, các chủ đầu tư các KCN thường ưu tiên các tập đoàn lớn, FDI với diện tích thuê lớn, còn các doanh nghiệp nhỏ với nhu cầu nhỏ hơn lại khó có cơ hội tiếp cận đất sạch, phù hợp quy mô hoạt động. Điều này tạo ra khoảng cách lớn trong khả năng cạnh tranh, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ trong hệ sinh thái doanh nghiệp Việt.
Do đó, chính sách tiếp cận đất đai của Nghị định 68 khiến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ, startup rất phấn khởi, hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ vốn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng phù hợp, giá thuê hợp lý sẽ có điều kiện mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Chính sách về đất đai và giá thuê trong Nghị định 68 có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ chuyển dịch nhà xưởng từ nội đô ra ngoại thành hoặc các khu công nghiệp, phù hợp với quy chuẩn, giảm chi phí đầu tư ban đầu. Đây là cơ hội để họ lớn lên, mở rộng hoạt động nhanh chóng hơn”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM, nói.
Mong chờ thực thi
Dù các chính sách đã rõ ràng, mục tiêu đã đề ra, việc thực thi mới là vấn đề then chốt. Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đều đồng tình rằng, mặc dù Nghị quyết 68 đã thể hiện rõ tinh thần đúng đắn, đến lúc này cần chuyển hóa thành chính sách cụ thể, khả thi và công bằng.
Tuy nhiên, chính sách trích 5% đất khu công nghiệp và giảm 30% tiền thuê chỉ là bước mở đầu, cần một kiến trúc chính sách tổng thể, hỗ trợ từ ngân sách, pháp lý đến quy hoạch vùng, để tạo ra phản ứng dây chuyền và thúc đẩy thực sự sự trỗi dậy của bất động sản công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và nhà khởi nghiệp.

Một góc KCN Quang Minh. Ảnh: TL
Ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh, việc dành quỹ đất tại các KCN cho doanh nghiệp nhỏ đòi hỏi chính sách ưu đãi rõ ràng từ Nhà nước. Nếu không có các chính sách hỗ trợ phù hợp, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN sẽ gặp nhiều khó khăn về giá bán, thu phí hay các quy định pháp lý khác, làm cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp này.
Xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp, như trong lĩnh vực nhà ở xã hội, cũng là yếu tố then chốt để phát triển các khu nhà ở xã hội, qua đó thu hút nhà phát triển và tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có chỗ ở ổn định. Ông Quốc Anh khẳng định, khi các quy định rõ ràng, các doanh nghiệp tự tin mở rộng quy mô, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Ông Xuân Hồng cũng lo ngại về khả năng thực thi các chính sách này, nhấn mạnh rằng sự thành công phụ thuộc vào quyết tâm và sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, bộ ngành liên quan. “Để chính sách phát huy hiệu quả, cần ưu đãi phù hợp cho các nhà đầu tư hạ tầng KCN, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận đất đai dễ dàng hơn”, ông nói.
Đáng chú ý, dù Nghị quyết 68 đã tháo gỡ điểm nghẽn lớn, các doanh nghiệp vẫn còn lo ngại về tình trạng “trên nóng - dưới lạnh”. Nhiều chính quyền địa phương vẫn còn thực hiện quy định một cách máy móc, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp mong muốn Nghị quyết được triển khai đồng bộ, hiệu quả, gắn liền với quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đặc biệt là sáp nhập các địa phương, để tạo ra cuộc cách mạng về cơ chế hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có thị trường bất động sản.
Trong phiên thảo luận ngày 16-5, Quốc hội đồng tình với các chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh trong dự thảo Nghị quyết. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất tạo cơ chế thành lập khu công nghiệp tại các địa phương có đất đai, tiềm năng, thế mạnh để doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ thuê với chính sách hỗ trợ. Ông nhấn mạnh, để đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp sau 5 năm, cần chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp và mở rộng các doanh nghiệp quy mô lớn hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, mô hình “tiếp nhà” qua nhà ở xã hội cần được mở rộng thành “tiếp đất” cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa — những trụ cột của chuỗi sản xuất, cung ứng. Khi doanh nghiệp có đất ổn định, mặt bằng dài hạn, họ sẽ đầu tư bài bản hơn, tạo việc làm bền vững và đóng góp ngân sách lâu dài.
Việt Nam đang ở giai đoạn bản lề; việc luật hóa Nghị quyết 68 được xem là phép thử năng lực điều hành chính sách của Nhà nước trong giai đoạn mới. Thể chế hóa kịp thời Nghị quyết này kỳ vọng tạo ra luồng sinh khí mới, mở ra cơ hội bứt phá cho cộng đồng doanh nghiệp.