Mở lại kênh phân phối truyền thống
Các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống được cho phép khôi phục, các điểm bán nhỏ trong điều kiện an toàn được hình thành, không chỉ giải quyết nhu cầu thiết thực của người dân mà còn tạo sinh kế cho nhiều tiểu thương.
Chợ Bình Thới (quận 11) mở cửa trở lại từ đầu tháng 8 sau nhiều lần “mở, đóng” đã thay đổi cách thức bán hàng khác hẳn. Chợ mở ngoài trời, chỉ cho 15 tiểu thương kinh doanh thực phẩm thiết yếu như cá, thịt, rau, củ, trái cây; mỗi tuần đều xét nghiệm Covid-19 cho tiểu thương và vận động tiểu thương triển khai bán hàng “combo” (trọn gói).
Theo đó, tiểu thương phân hàng theo ký và đóng gói sẵn. Khách mua chỉ cần ra dấu số lượng, tiểu thương báo giá rồi đưa hàng. Cách này vừa mua bán nhanh gọn, vừa hạn chế tiếp xúc triệt để. “Bán hàng theo combo mình mất thêm thời gian lựa hàng, đóng gói sẵn nhưng được lợi là ít tiếp xúc với người mua. Mình bán hàng, ngoài đeo khẩu trang, mang găng tay còn trang bị tấm ngăn giọt bắn để bảo vệ cho mình và khách hàng. Được mở bán lại, chúng tôi mừng lắm nên cố gắng làm nhiều cách để bảo vệ an toàn”, chị Mai, một tiểu thương hàng rau, chia sẻ.
Chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) cũng vừa hoạt động trở lại từ ngày 4/8. Dù chỉ khoảng 20 quầy hàng kinh doanh nhưng các mặt hàng từ rau xanh, bún, miến, thịt, cá… đều khá đầy đủ nhưng lượng khách đến mua hàng khá ít. Đây là một trong số ít các chợ truyền thống tại thành phố bền bỉ và linh hoạt lên phương án phòng dịch, mở lại khi đủ điều kiện an toàn. Tất cả tiểu thương và người phụ sạp đều phải xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính.
Chị Nguyễn Ngọc Mỹ, ngụ đường Nguyễn Kim, quận 10, cho hay, việc mở lại chợ và đáp ứng các yêu cầu phòng dịch linh hoạt được người dân đồng tình vì vừa bảo đảm được sinh kế cho tiểu thương từ trước đến nay, vừa hỗ trợ mọi người có chỗ mua thực phẩm.
Trưởng Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương Phan Thanh Hà cho hay, so với lần mở bán lại trước đó, số lượng tiểu thương lần này giảm rất nhiều. Để kiểm soát chặt chẽ, Ban quản lý chợ làm thẻ cho tiểu thương, trang bị màn chắn tại các sạp. Khoảng hơn 7 giờ, khi chợ bắt đầu mở cửa, Ban quản lý sẽ điều tiết mỗi lượt 10 khách vào bên trong mua hàng. Sau khi tiểu thương dọn dẹp ra về, Ban quản lý chợ tổ chức phun khử khuẩn khu vực kinh doanh...
Báo cáo nhanh của các quận, huyện, TP Thủ Đức về tình hình tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa cho thấy, đến thời điểm hiện tại, thành phố có thêm ba chợ truyền thống khôi phục hoạt động để cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, nâng số chợ đang hoạt động trên địa bàn lên 37 trong số 234 chợ truyền thống. Đó là chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) tổ chức cho 30 tiểu thương ngành hàng tươi sống kinh doanh; chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) tổ chức cho 16 tiểu thương kinh doanh và chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) tổ chức cho bốn tiểu thương hoạt động.
Để giải quyết nhu cầu thiết thực của người dân, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn yêu cầu Sở Công thương thành phố khẩn trương cùng các địa phương nghiên cứu giải pháp tổ chức lại các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại những chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động, hoặc hình thành các điểm bán nhỏ cung ứng mặt hàng tươi sống. Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, triển khai chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn cung ứng để bình ổn thị trường ở thành phố.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, từ khi mở lại, tại các mô hình này chưa phát hiện ca lây nhiễm mới. Sở cũng khuyến khích các đơn vị tăng cường chuyển đổi phương thức bán hàng hạn chế tiếp xúc và tăng năng lực cung ứng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/mo-lai-kenh-phan-phoi-truyen-thong-659553/