'Mở lối' để thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang thua lỗ
Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định để doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ triển khai thoái vốn tại các doanh nghiệp khác bị lỗ hoặc có lỗ lũy kế.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.
Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc, xây dựng cơ sở pháp lý để doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ triển khai thoái vốn tại các doanh nghiệp khác bị lỗ hoặc có lỗ lũy kế.
Liên quan tới đề xuất này, Bộ Tài chính cho hay, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Bộ Chính trị đã có kết luận về các giải pháp hỗ trợ Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (VNA) để vượt qua khủng hoảng, tuyệt đối không để lâm vào tình trạng phá sản.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã quyết định thoái vốn của VNA tại Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines (PA). Bộ Tài chính đã có ý kiến đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Người đại diện vốn nhà nước tại VNA xây dựng phương án thoái vốn tại PA để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc không áp dụng các quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng khi thực hiện thoái vốn đầu tư của VNA tại PA.
Tuy nhiên, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở lên không thể triển khai việc thoái vốn tại các doanh nghiệp đang bị lỗ, lỗ lũy kế, ảnh hưởng đến vốn đầu tư của doanh nghiệp. Vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo vướng mắc của VNA về việc không triển khai được việc thoái vốn tại PA.
Do đó, Bộ Tài chính đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung khoản 22 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục, rút gọn và được Chính phủ đồng ý để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn (việc thoái vốn của VNA tại PA).
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào 3 nội dung chính. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở lên thoái vốn tại các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp khác không đáp ứng điều kiện phải có lãi, không có lỗ lũy kế theo quy định tại khoản 1b Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019.
Phương thức thực hiện, việc chuyển nhượng vốn thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán).
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thoái vốn thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi theo hướng: “Trường hợp thoái vốn tại công ty cổ phần có vốn góp của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, mà công ty cổ phần đó không đảm bảo hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền kề trước năm tổ chức thoái vốn phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm tổ chức thoái vốn, Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước được lựa chọn việc chuyển nhượng cổ phần tại công ty cổ phần đó theo quy định tại khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thoái vốn thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.”