Mở lối về nẻo thiện
Không đứng trên bục giảng, không phấn trắng, bảng đen và cũng không có trang giáo án, nhưng những cán bộ quản lý học viên của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình vẫn được các học viên trân trọng gọi bằng 'thầy'. Sự đồng hành, chia sẻ, cách gửi gắm niềm tin từ những người thầy đặc biệt này đã mở lối cho những con người lầm lỡ một thời đi về nẻo thiện…
Bùi Văn P. người đàn ông ngót 40 tuổi, có hơn 1 năm nghiện ma túy trước khi được đưa vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình. 24 tháng kiên trì thực hiện theo đúng phác đồ, P. đã hoàn toàn đoạn tuyệt được với ma túy, sức khỏe ổn định và sẵn sàng trở lại tái hòa nhập cộng đồng.
Trước khi được gia đình đón về, việc mà anh P. muốn làm nhất đó là hỗ trợ tổ đội, hoàn thiện bức báo tường để tri ân những người thầy đặc biệt nhân dịp 20/11.
"Họ không phải là giáo viên đứng trên bục giảng, họ không dạy chúng tôi những kiến thức văn hóa như những thầy, cô giáo khác. Nhưng với chúng tôi, họ là những người thầy đặc biệt. Họ đã đồng hành, giúp đỡ chúng tôi tìm lại được chính mình. Tôi trang trí và viết báo tường bằng một bài thơ, thể hiện niềm xúc động, biết ơn của chúng tôi đối với những thầy quản lý ở đây"- Bùi Văn P. chia sẻ.
P. kể rằng, trước khi sa đà vào ma túy, P. cũng là một người bố mẫu mực của hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. P. là công nhân lành nghề trong lĩnh vực xây dựng. P. theo công trình đi làm quanh năm, với nguồn thu nhập ổn định, P đủ sức chăm lo cuộc sống cho gia đình mình. Nhưng rồi P. không làm chủ được bản thân, sa đà vào ma túy từ lúc nào không hay. Cuộc sống của P. trở nên bế tắc.
Lúc mới vào cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình, tâm trạng của P. rất tệ. Cuộc sống tự do, phóng túng ở ngoài cộng đồng giờ chỉ thu hẹp bằng những hoạt động giáo dục trị liệu, đôi lúc P. muốn nổi loạn. Nhưng với sự kiên trì đồng hành, động viên của thầy quản lý, P. dần cân bằng lại tâm lý. P. bắt đầu tìm niềm vui ở những giờ lao động trị liệu.
Những động tác lóng ngóng khi bắt tay vào học nghề đan bèo bồng, học may, chăm sóc cây cảnh, trồng rau, nuôi gà… làm P. thực sự thấy hứng thú.
P. kể: những công việc rất đỗi bình dị này mang lại cho tôi cảm giác yên bình. Chăm sóc để một luống rau lên xanh tốt cũng đủ mang lại niềm vui lớn đối với tôi. Tôi có thời gian để sống chậm, để ngẫm nghĩ lại quãng thời gian đi lạc lối những năm qua.
Mỗi lần tiễn học viên tái hòa nhập cộng đồng là một lần như được tiếp thêm động lực cho những người làm nhiệm vụ quản lý học viên như anh Trần Văn Sáng.
Anh Sáng gắn bó với Cơ sở cai nghiện ma túy đã được 15 năm với nhiệm vụ chính là quản lý, giúp học viên lao động trị liệu. Theo anh Sáng, nhiều học viên trước khi vào đây đều đã có tiền án, tiền sự. Để họ nắm được pháp luật, hiểu ra lỗi lầm trong quá khứ đồng thời có thêm nghị lực để xóa bỏ mặc cảm, thực hiện tốt công tác cai nghiện để hòa nhập cộng đồng. Đó là những nhiệm vụ chính của những cán bộ quản lý học viên ở đây.
Anh Sáng cho biết: Ngày trước, học viên khi vào cai nghiện còn có cả những người thậm chí là chưa biết chữ. Vì vậy, cán bộ quản lý phải dạy viết, dạy đọc cho học viên. Nhưng hiện nay, đa số học viên đều có trình độ THPT, thậm chí, nhiều người trong số đó có trình độ cao đẳng, đại học, có công việc rất tốt. Vốn có học thức, nhưng vì lầm đường lạc lối mà sa đà vào ma túy. Khi vào cai nghiện tại cơ sở, được dạy lao động trị liệu, nhiều học viên tỏ thái độ không hợp tác vì cho rằng đây là những công việc nhàm chán.
Vì vậy, các cán bộ quản lý phải kiên trì đả thông tư tưởng, giúp học viên có quan niệm đúng đắn hơn về lao động, từ đó biết quý trọng giá trị của lao động. Mặt khác, khi tận tay lao động, những công việc đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì giúp các học viên cũng sẽ có thời gian để sống chậm, chiêm nghiệm lại giá trị cuộc sống của chính bản thân mình.
Cán bộ quản lý hướng dẫn nghề may cho các học viên.
Việc hướng dẫn học viên từ những việc nhỏ nhất như nề nếp trong sinh hoạt, học nghề, trồng trọt, chăn nuôi… tưởng chừng rất dễ nhưng lại là một thách thức không nhỏ đối với cán bộ quản lý. Bởi người quản lý phải thực sự kiên trì, chỉ một chút nản, hay ức chế với sự chậm chạp của học viên sẽ khiến cho học viên lại càng thiếu niềm tin vào chính mình. Những trải nghiệm phức tạp trong cộng đồng trước đó khiến học viên rất nhạy cảm.
Anh Trần Văn Sáng đưa chúng tôi đi gặp học viên là Bùi Văn B. B vốn là một thợ mộc giỏi. Ngay cả khi đã vào cơ sở cai nghiện thì những lúc rảnh rỗi, B.vẫn dành thời gian để say sưa trạm trổ, biến một khúc gỗ nhỏ thành những vật dụng hữu ích. Cái tài của B. được mọi người ở đây rất nể phục. B có thể làm "sống" lại những vật vô tri, vô giác bằng cách biến chúng thành những hình con vật, bông hoa… rất sinh động.
Có tài lại yêu nghề tha thiết, nhưng B. vẫn chưa đủ bản lĩnh để bước qua sự cám dỗ của ma túy, ngay cả khi đã cai nghiện thành công và hòa nhập cộng đồng. B. buồn bã nói: Đây là lần thứ 2 tôi trở lại cơ sở cai nghiện.Tuy phải nhận lại học viên tái nghiện, các cán bộ vẫn ân cần, chu đáo và gần gũi như những người bạn, người thân để kiên trì hướng thiện cho tôi.
Các thầy thường kể cho tôi nghe về những tấm gương cai nghiện thành công. Có những người đã nỗ lực để trở thành chủ một doanh nghiệp sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Chỉ cần có niềm tin vào bản thân mình, chúng tôi cũng sẽ có cơ hội để làm lại cuộc đời. Vì vậy, lần này tôi sẽ cố gắng cai nghiện và sẽ tái hòa nhập cộng đồng thành công để báo đáp công ơn các thầy, báo đáp cuộc đời.
Ông Lê Tiến Đạt, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay, cơ sở đang quản lý 223 học viên. Trong đó, nhiều người từng có tiền án, tiền sự và trên 15% học viên bị nhiễm HIV/AIDS. Như vậy, để cảm hóa, giáo dục và hướng nghiệp cho những học viên một cách có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ làm công tác giáo dục ở đây.
Để khơi dậy lòng nhiệt huyết, sức sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, viên chức, nhất là những người làm nhiệm vụ trực tiếp quản lý học viên, những năm qua, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các cán bộ, viên chức được học tập nâng cao trình độ; động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, quản lý tích cực nêu gương tự học, tự nghiên cứu, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp để tìm ra phương pháp quản lý hiệu quả và phù hợp nhất.
Những nỗ lực của các cán bộ, viên chức của cơ sở được đền đáp bằng chính hiệu quả công tác. Ngày càng có nhiều hơn những học viên tái hòa nhập cộng đồng thành công, ổn định được cuộc sống.
Trong năm 2020, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình có 2 cán bộ quản lý học viên được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/mo-loi-ve-neo-thien/d2021111708231934.htm