Mỡ máu cao khi nào cần điều trị ?

Theo khảo sát, trung bình cứ 3 người trưởng thành thì có một người có mức cholesterol LDL cao khiến mỡ trong máu tăng cao. Vậy mỡ máu cao bao nhiêu thì cần điều trị? Câu trả lời sẽ có trong bài viết.

Mỡ máu cao là tình trạng gia tăng cholesterol xấu (Lipoprotein tỷ trọng thấp – LDL) hay chất béo trung tính (triglycerid) hoặc cả 2 trong máu dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tim mạch.

1.Mỡ máu là gì?

Mỡ máu bao gồm 2 loại chính là cholessterol và triglycerid

Cholesterol gồm:

- Cholesterol tốt (cholesterol cao), cholesterol xấu (cholesterol thấp)

- Cholesterol toàn phần, chiếm tỉ lệ rất cao (60 – 70%).

Cholesterol là một chất béo có ở màng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể và được vận chuyển trong huyết tương của con người. Phần lớn cholesterol được gan tổng hợp nên từ các chất béo bão hòa, một phần nhỏ cholesterol được hấp thu từ thức ăn như: trứng, sữa, não, thịt đỏ (thịt bò, thịt chó, ngan, dê, cứu), mỡ động vật, lòng lợn, lòng bò, tôm.

Đặc điểm của cholesterol kém tan trong nước, nó không thể tan và di chuyển trong máu mà phải nhờ vào lipoprotein (lipoprotein là một chất do gan tổng hợp ra và tan trong nước mang theo cholesterol).

Cholesterol rất cần cho sự hoạt động của màng các tế bào trong cơ thể, cần cho sự hoạt động của cơ thể để sản xuất ra một nội tiết tố.

Cholesterol tốt (HDL-C) có vai trò làm cho thành động mạch mềm mại để lưu thông máu tốt hơn và có khả năng bảo vệ thành mạch máu, trong khí đó cholesterol xấu (LDL- C) làm cho xơ vữa thành động mạch.

Cholesterol xấu (LDL- C) làm cho xơ vữa thành động mạch.

Cholesterol xấu (LDL- C) làm cho xơ vữa thành động mạch.

2. Nguyên nhân dẫn đến máu mỡ cao

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mỡ máu cao trong đó bao gồm:

– Do yếu tố di truyền, yếu tố giới tính và tuổi tác.

– Người thường xuyên bị căng thẳng, stress kéo dài.

– Người có thể trạng béo phì, lười vận động.

– Chế độ ăn uống không hợp lý, ăn thực phẩm có chứa nhiều chất béo, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hoặc chất có cồn.

– Người mắc một số bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tự miễn, suy giáp, buồng trứng đa nang.

3. Khi nào gọi là mỡ máu cao?

Cholesterol toàn phần trong máu bình thường có chỉ số < 5,2mmol/l, khi chỉ số này tăng trên 5,2mmol/lít là bắt đầu cao.

Với loại HDL-C chỉ số trong máu ở người bình thường là ≥ 0,9mmol/l, chỉ số này càng cao càng tốt.

Với loại LDL-C trong máu người bình thường có chỉ số là dưới 3,4mmol/l, khi chỉ số này vượt quá trên 3,4 mmol/l, được gọi là cao...

Cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để giảm mỡ máu

Cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để giảm mỡ máu

Khi triglycerid máu trên 2,26 mmol/l được gọi là triglycerid cao. Khi tăng cả cholesterol xấu và triglycerid, được gọi là tăng mỡ máu hỗn hợp.

Xét nghiệm mỡ máu là một xét nghiệm đơn giản, được thực hiện như xét nghiệm máu thường quy. Cần lưu ý là xét nghiệm này cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu.

Thời gian nhịn ăn tối thiểu 6-8 tiếng trước đó. Tốt nhất là làm xét nghiệm vào buổi sáng sau khi đã nhịn đói qua đêm.

Mỡ máu cao khi nào cần điều trị ?

Đây là câu hỏi rất nhiều người khi khám có xét nghiệm có kết quả ghi nhận mỡ máu cao. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ có lời khuyên dành cho người bệnh.

Đối với trường hợp còn trẻ và không có các yếu tố nguy cơ khác thì đa phần bác sĩ sẽ đề nghị bạn thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để giảm mỡ máu, bao gồm:

- Cần tăng cường vận động.

- Cần hạn chế chất béo bão hòa, nhất là mỡ động vật, trà sữa.

- Cần giảm cholesterol trong thực phẩm như lòng đỏ trứng, bơ, tôm…

- Cần ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất.

- Cần giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.

- Không hút thuốc lá .

- Cần hạn chế uống rượu bia.

Nếu sau khi thay đổi lối sống (khoảng 2-3 tháng) mà mỡ máu không giảm hoặc vẫn tăng cao thì bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng thuốc. Trong đó, statin là loại thuốc phổ biến nhất để giảm cholesterol LDL và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Fibrate và niacin thường được sử dụng để giảm triglyceride và tăng cholesterol HDL.

Loại thuốc và liều lượng sẽ được cá nhân hóa phụ thuộc vào mức độ mỡ máu, cũng như các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch.

Tóm lại: Khi bị tăng mỡ máu, ngoài việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, thì chế độ ăn, uống hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nồng độ mỡ trong máu trở về chỉ số bình thường. Ngoài ra, cần tăng cường luyện tập thể dục, kiểm soát cân nặng, bỏ thuốc lá và các chất kích thích. Khám bệnh định kỳ tại những cơ sở y tế uy tín để được các y, bác sĩ tư vấn và chỉ định làm các xét nghiệm mỡ máu phòng ngừa mỡ máu tăng cao.

Nấm hương tốt cho người mỡ máu và tăng huyết áp

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mo-mau-cao-khi-nao-can-dieu-tri-169230803120024054.htm