Mở mới mảng tiêm chủng: FPT Long Châu 'cạnh tranh' những ông lớn nào?
Việc chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail mở rộng hoạt động kinh doanh sang mảng tiêm chủng gần đây, được dự báo thị trường trung tâm tiêm chủng Việt Nam sẽ có thế 'chân kiềng' mới, hay thậm chí là chia lại thị phần.
Nhu cầu tiêm chủng lớn khiến các trung tâm tiêm chủng trở thành một thị trường ngách tiềm năng trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng được xem là hướng kinh doanh thiết thực. Minh chứng là sự phát triển, nở rộ của các trung tâm tiêm chủng dịch vụ những năm gần đây.
Chen chân thị phần vắc xin, cổ phiếu lập đỉnh mới
Thời gian vừa qua, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) đã cho ra mắt Trung tâm tiêm chủng Long Châu với 4 cơ sở tại TPHCM và Hà Nội, được giới thiệu là đơn vị có các loại vắc xin thế hệ mới nhất từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới và toàn bộ vắc xin đều được nhập khẩu chính hãng. Trung tâm tiêm chủng Long Châu kết hợp với mô hình nhà thuốc có sẵn, với khu vực bên ngoài là nhà thuốc, và bên trong là trung tâm tiêm chủng.
Cũng theo giới thiệu, Trung tâm tiêm chủng Long Châu cung cấp nhiều dịch vụ tiêm chủng linh hoạt theo yêu cầu như: Tiêm lẻ, tiêm theo yêu cầu, mua đặt giữ vắc xin theo yêu cầu, đặt giữ vắc xin online… Đây có thể xem là bước đi mới của FPT Retail trong việc mở rộng hoạt động mảng kinh doanh dược phẩm sau thành công của chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Theo tờ Nhà Quản trị, với việc chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail đưa vào hoạt động 4 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc gần đây, thị trường trung tâm tiêm chủng Việt Nam được dự báo sẽ có thế "chân kiềng" mới và thậm chí là chia lại thị phần.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán của FPT Retail, nửa đầu năm 2023, mảng dược đã mang về cho FPT Retail gần 7.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Theo chia sẻ từ FPT Retail, mỗi cửa hàng Long Châu mang về doanh thu trung bình 1 tỷ đồng/tháng. Long Châu đã theo sát Pharmacity và nằm trong top đầu các chuỗi dược phẩm hiện tại.
Sau khi khấu trừ các loại chi phí, Long Châu ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 280 tỷ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Theo ước tính, mỗi ngày Long Châu ghi nhận EBITDA hơn 3 tỷ đồng. Dù không công bố chi tiết, thế nhưng FRT Retail ước tính từ chỉ tiêu lợi ích cổ đông không kiểm soát trên báo cáo hợp nhất, Long Châu có thể ghi nhận lãi sau thuế khoảng 108 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.
Hiện nay, Long Châu đang là chuỗi mang về nguồn lợi nhuận lớn cho FRT, nhất là trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu nhưng thuốc vẫn là một trong những mặt hàng thiết yếu không bị ảnh hưởng nhiều, do đó chủ trương của FRT vẫn là mở rộng hệ thống nhà thuốc này.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống Long Châu liên tục mở rộng vùng phủ đã mở mới 306 nhà thuốc, trong đó có 187 nhà thuốc mới mở trong quý II, nâng số lượng nhà thuốc có doanh thu lên 1.243 nhà thuốc, hoàn thành 77% kế hoạch mở mới năm 2023. Nhờ đó, tổng tài sản của FPT Long Châu tăng 53% sau 1 năm, đạt gần 4.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023.
Theo FPT Retail, cửa hàng thuốc Long Châu sở hữu những lợi thế cạnh tranh nhất định so với các đối thủ như danh mục sản phẩm đa dạng, lượng khách đến cửa hàng cao và nguồn cung ứng trực tiếp nhiều hơn nên mang lại mức giá cạnh tranh hơn so với các công ty cùng ngành.
Điều này giúp chuỗi cửa hàng thuốc giành được thị phần từ cửa hàng thuốc truyền thống nhanh hơn so với các chuỗi thương mại hiện đại khác (An Khang và Pharmacity). Long Châu cũng có thể giành được một phần thị phần từ nhà thuốc bệnh viện, khi chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu tạo ra 25 - 30% doanh thu từ thuốc kê đơn.
Theo ghi nhận của SSI Research tại hội thảo Ngày Doanh nghiệp Việt Nam do Goldman Sachs & SSI tổ chức, lãnh đạo FPT Retail thông tin, công ty đặt mục tiêu có 3.000 cửa hàng Long Châu (so với 1.243 cửa hàng tính đến cuối quý II/2023) trong 5 năm tới.
Tiềm năng tăng trưởng mạnh trong hoạt động kinh doanh đã tạo đà bứt phá cho cổ phiếu FRT trên sàn. Kết thúc phiên giao dịch 6/10, thị giá FRT đạt 97.500 đồng/cp, mức cao nhất từ trước tới nay.
Sự hấp dẫn về hoạt động kinh doanh của FRT cũng thu hút sự quan tâm của khối ngoại. Mới đây, nhóm quỹ Dragon Capital đã nâng sở hữu lên hơn 9% vốn điều lệ FPT Retail.
Chia lại "miếng bánh" tiêm chủng: Dấu chân "ông lớn" nào?
Thị trường tiêm chủng ở Việt Nam trước đây tập trung chủ yếu ở các khối bệnh viện và trung tâm y tế công, tuy nhiên trong vòng 5 năm trở lại đây, cục diện thị trường đã có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng hơn cho việc chi trả các chi phí dự phòng bệnh tật, đặc biệt cho nhóm trẻ em, vốn là đối tượng dễ bị tổn thương hơn khi xảy ra dịch bệnh.
Trong đó, những thương hiệu quen thuộc có thể kể tới như hệ thống VNVC của Công ty CP Vắc xin Việt Nam (VNVC) hay Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1, Phòng tiêm chủng dịch vụ SAFPO của AMV Group (tiền thân là Công ty CP Dược phẩm Đức Minh),...
Theo tờ Nhịp sống thị trường, đi đầu trong thị trường trung tâm tiêm chủng tại Việt Nam là Công ty CP Vắc xin Việt Nam (VNVC). VNVC thành lập vào tháng 6/2017, đến nay đã có 132 trung tâm tiêm chủng vắc xin cho trẻ em và người lớn trên toàn quốc. Cơ sở VNVC Trường Chinh là Trung tâm tiêm chủng VNVC đầu tiên trên cả nước, cũng là trung tâm tiêm chủng dịch vụ cao cấp duy nhất tại Việt Nam vào thời điểm ra đời.
Lợi thế của VNVC là có nhiều loại vắc xin nhất cho mọi lứa tuổi. Nguồn vắc xin đa dạng, nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất lớn trong và ngoài nước, kể cả những loại vắc xin mới, vắc xin thường xuyên khan hiếm trên thị trường.
Hệ thống VNVC sở hữu 4 kho lạnh tổng và 100 kho lạnh đạt chuẩn GSP, VNVC đủ khả năng bảo quản cùng lúc hơn 200 triệu liều vắc xin trong cùng một thời điểm, đáp ứng nguồn cung theo nhu cầu. Hiện hệ thống cung cấp nhiều dịch vụ tiêm chủng linh hoạt như: Tiêm lẻ, tiêm theo yêu cầu, mua đặt giữ vắc xin theo yêu cầu, mua vắc xin online…, dịch vụ tiêm chủng lưu động đối với các nhóm cơ quan, doanh nghiệp.
Công ty CP Vắc xin Việt Nam nằm trong hệ sinh thái ngành dược của ông Ngô Chí Dũng. Vị doanh nhân sinh năm 1974 này đồng thời là đại diện pháp luật của Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Công ty CP dược phẩm Eco, CTCP Nutrihome,...
Ra đời sau VNVC, hệ thống phòng khám Nhi Đồng 315 cũng cung cấp các dịch vụ tiêm chủng, nhưng chủ yếu hướng tới đối tượng trẻ em. Ra mắt vào tháng 6/2019, chuỗi Nhi Đồng 315 ban đầu tập trung vào các hoạt động khám bệnh, xét nghiệm, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em.
Sau khi nhận thấy tiềm năng của thị trường trung tâm tiêm chủng, các phòng khám Nhi Đồng 315 được chuyển đổi và có thêm dịch vụ tiêm vaccine. Đến nay, doanh nghiệp đã có hơn 50 trung tâm tiêm chủng tập trung chủ yếu ở TPHCM và các khu vực lân cận.
Thông tin trên báo chí, đại diện Nhi Đồng 315 cho biết, doanh nghiệp là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ tiêm chủng dành riêng cho nhi khoa, với hệ thống phòng khám nhi khoa được đánh giá là quy mô lớn nhất TPHCM. Vào tháng 4/2023 vừa qua, hệ thống phòng khám Nhi Đồng 315 được quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) quyết định rót 30 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B.
Trước đó, Nhi Đồng 315 cũng từng 2 lần nhận vốn từ các đơn vị như: BDA Capital Partners, TVS, Nisaetus và Samsara Holdings, Tremont Capital Ventures International, một tập đoàn chăm sóc sức khỏe giấu tên của Nhật Bản và các nhà đầu tư cá nhân.
Ngoài ra, trên thị trường tiêm chủng không thể không nhắc đến Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH).
VABIOTECH là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Y tế được thành lập từ năm 2000, tiền thân là Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 trực thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE). Hiện tại, VABIOTECH sản xuất và kinh doanh 4 sản phẩm chính là vắc xin viêm gan A, vắc xin viêm gan B, vắc xin viêm não Nhật Bản và vắc xin Tả uống. Vắc xin do VABIOTECH sản xuất được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia – Việt Nam, thị trường nội địa và xuất khẩu.
Mặc dù, trung tâm dịch vụ tiêm chủng VABIOTECH ra đời rất sớm, được thành lập vào năm 2009 nhưng hiện tại mới có 2 cơ sở tại Hà Nội. Điểm cộng là cơ sở vật chất, dịch vụ tại các cơ sở này đều hiện đại, đầu tư bài bản...