Mở ra cơ hội phát triển công nghiệp phía nam Bình Thuận
Khu công nghiệp (KCN) Tân Đức và Sơn Mỹ 1 cùng lúc được khởi công vào cuối quý III/2022 được kỳ vọng mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phía nam Bình Thuận. Bởi đây là 2 KCN có quy mô diện tích khá lớn và vị trí thuận tiện kết nối với một số tỉnh, thành thuộc trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai…
Quyết tâm khởi công...
Tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư với sự quan tâm chỉ đạo từ UBND tỉnh, nỗ lực phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc của các liên quan nên tiến độ triển khai dự án KCN Tân Đức và KCN Sơn Mỹ 1 có chuyển biến tích cực. Điều đó cũng thể hiện quyết tâm sớm hoàn tất các thủ tục liên quan, hoàn thành bồi thường giải tỏa để đảm bảo có đủ mặt bằng khởi công kịp mốc thời gian đề ra là vào cuối quý III/2022.
Phối cảnh KCN Tân Đức.
Trong đó dự án Đầu tư Xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Tân Đức (KCN Tân Đức) do Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận làm chủ đầu tư có diện tích đất sử dụng 300 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Dự án có địa chỉ tại xã Tân Đức, thuộc địa bàn huyện Hàm Tân được triển khai hướng đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, đồng thời xây dựng nhà kho, nhà xưởng để cho thuê hoặc chuyển nhượng và các dịch vụ cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, logistics… Đây còn là KCN tập trung, đa ngành nghề, thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, xử lý triệt để chất thải, không gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể như sản xuất sản phẩm dệt may, sản xuất máy móc thiết bị cơ khí, vật liệu xây dựng, điện tử, cơ khí, dược phẩm, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng…
Cũng tại Hàm Tân, dự án KCN Sơn Mỹ 1 thuộc địa bàn xã Sơn Mỹ do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sơn Mỹ (IPICO) làm chủ đầu tư có diện tích 1.070 ha. Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước đây thì dự án có tổng vốn khoảng 2.300 tỷ đồng, tuy nhiên thời gian qua chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có biến động lớn và tính toán chi tiết sau khi hoàn thành thiết kế chi tiết, hiện tổng mức đầu tư đã vượt lên khoảng 9.000 tỷ đồng… Đại diện chủ đầu tư cho biết, KCN Sơn Mỹ 1 lấy năng lượng là trung tâm với 2 Nhà máy nhiệt điện khí (LNG) Sơn Mỹ 1, 2 có tổng công suất 4.500 MW và Kho cảng LNG Sơn Mỹ có công suất giai đoạn 1 khoảng 3,6 triệu tấn/năm, ở giai đoạn tiếp theo nâng công suất lên 6 triệu tấn/năm. Bên cạnh các ngành công nghiệp trong hệ sinh thái lấy năng lượng làm trung tâm, nơi đây sẽ được đầu tư theo định hướng phát triển là KCN thông minh. Từ đó đẩy mạnh thu hút ngành nghề, lĩnh vực lấy cảng biển là lợi thế để xuất nhập khẩu hàng hóa trong quá trình sản xuất - kinh doanh, khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý cũng như tiềm năng vốn có của KCN…
Vị trí xây dựng KCN Sơn Mỹ 1 (thuộc địa bàn xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân).
Đặt nhiều kỳ vọng
Cùng được khởi công vào cuối quý III/2022, dự án KCN Tân Đức dự kiến sẽ thi công hoàn thành hệ thống hạ tầng giai đoạn 1 với diện tích 150 ha ngay trong quý đầu năm 2023. Từ quý II - quý IV/2023, chủ đầu tư tiếp tục tập trung thi công xây dựng hoàn thành hệ thống hạ tầng KCN giai đoạn 2 (diện tích 150 ha còn lại) và bước đầu xúc tiến thu hút các dự án thứ cấp… Đối với dự án KCN Sơn Mỹ 1 cũng được triển khai qua 2 giai đoạn, trước mắt phấn đấu hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 (diện tích 615,25 ha) từ cuối năm 2025.
Dự tính KCN Tân Đức khi đi vào hoạt động sẽ thu hút cả trăm doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký từ 300 - 400 triệu USD, tham gia giải quyết việc làm cho khoảng 11.000 lao động địa phương. Hoạt động của các doanh nghiệp tại đây có thể tạo ra doanh số khoảng 1 tỷ USD, đóng góp cho ngân sách địa phương trên dưới 10 triệu USD/năm thông qua các khoản thu từ thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu… Với nhiều dự án quy mô lớn có tổng mức đầu tư hàng tỷ USD nên khi hoàn thành và đưa vào khai thác, KCN Sơn Mỹ 1 cũng được kỳ vọng trở thành tâm điểm phát triển kinh tế phía nam Bình Thuận và khu vực lân cận.
Sự hình thành KCN Tân Đức và KCN Sơn Mỹ 1 trên vùng đất nông nghiệp bạc màu, giá trị sản xuất nông nghiệp thấp sẽ tác động rất tích cực đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong vùng dự án. Cũng từ đó mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phía nam Bình Thuận, chung sức cùng toàn ngành khẳng định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế và là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.