Mở ra cơ hội xuất khẩu lao động thời vụ tại Hàn Quốc
Cuối tháng 3/2025, 29 lao động huyện Đà Bắc được đưa sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc. Sau khi xuất cảnh, người lao động (NLĐ) sớm ổn định công việc, điều kiện đãi ngộ tốt, mức thu nhập đúng theo thỏa thuận đã ký. Chương trình tiếp tục được mở rộng, các ngành, đơn vị chức năng tích cực tìm kiếm cơ hội việc làm thời vụ tốt ở một số địa phương của Hàn Quốc.
Cuối tháng 3/2025, 29 lao động huyện Đà Bắc được đưa sang làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc. Sau khi xuất cảnh, người lao động (NLĐ) sớm ổn định công việc, điều kiện đãi ngộ tốt, mức thu nhập đúng theo thỏa thuận đã ký. Chương trình tiếp tục được mở rộng, các ngành, đơn vị chức năng tích cực tìm kiếm cơ hội việc làm thời vụ tốt ở một số địa phương của Hàn Quốc.

Lao động huyện Đà Bắc làm việc trong điều kiện môi trường an toàn tại nông trại của huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc.
Mới đây, dành ưu tiên cho huyện nghèo Đà Bắc, tỉnh triển khai đợt 2 xuất khẩu lao động thời vụ, đồng thời tiến hành quy trình khám sơ tuyển kiểm tra sức khỏe, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc. Chị Lường Thị Mơ, 42 tuổi ở xóm Kìa, xã Yên Hòa chia sẻ: Với trình độ lao động phổ thông và điều kiện hoàn cảnh hiện tại, nhiều người trong độ tuổi lao động, nhất là lứa tuổi trung niên như chúng tôi mong có được cơ hội tốt để thay đổi cuộc sống, cải thiện kinh tế gia đình. Hình thức xuất khẩu lao động làm việc theo thời vụ mở ra cơ hội đó. Tôi nghe nói ở đợt 2 này, đối tác Hàn Quốc có nhu cầu tuyển 50 lao động. Là 1 trong 200 ứng viên, tôi hy vọng may mắn trúng tuyển.
Thí điểm đưa NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hợp tác giữa các địa phương của 2 nước là chương trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59/NQ-CP, ngày 27/4/2022 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Sau nhiều nỗ lực, ngày 4/11/2024, tỉnh đã ký kết Bản thỏa thuận hợp tác đưa NLĐ đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc. Đây là chương trình phi lợi nhuận, do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đưa đi, phù hợp với NLĐ của tỉnh.
Theo đồng chí Đỗ Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, ở đợt đầu tiên đưa lao động của tỉnh đi làm việc thời vụ tại huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam cho tín hiệu khả quan. NLĐ trao đổi thông tin liên lạc, gửi hình ảnh, video về cho thấy nơi ăn nghỉ được bố trí gọn gàng, sạch đẹp, đầy đủ tiện ích; môi trường làm việc giống như các vùng quê nông thôn Việt Nam. Công việc thường ngày của lao động là trồng trọt, thu hoạch hoa màu: dưa leo, cà chua, rau xanh và các loại trái cây. 29/29 lao động yên tâm, phấn khởi làm việc, chấp hành các quy định theo hợp đồng đã ký với chủ sử dụng lao động.
Tiêu chuẩn tuyển chọn NLĐ đi làm việc thời vụ là đang thường trú tại tỉnh Hòa Bình, độ tuổi từ 25 đến dưới 50 tuổi, tuyển chọn cả nam và nữ, có kinh nghiệm trên 1 năm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian làm việc thời vụ từ 5 - 8 tháng. Tiền lương của NLĐ được chi trả hàng tháng, mức lương quy đổi tiền Việt Nam khoảng 36 - 37 triệu đồng/tháng.
Trong tháng 4, Sở Nội vụ đã trình UBND tỉnh cho phép tiếp tục ký kết Bản thỏa thuận hợp tác với các địa phương của Hàn Quốc để đưa NLĐ tỉnh sang làm việc tại Hàn Quốc. Để chủ động nắm bắt nguồn lao động muốn tham gia chương trình, UBND các huyện, thành phố đã thông báo đến xã, phường, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân… và đông đảo NLĐ nắm bắt thông tin về chương trình để đăng ký tham gia. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 500 NLĐ có nguyện vọng đăng ký tham gia dự tuyển.
Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Trong bối cảnh thị trường lao động toàn cầu ngày càng phát triển, xuất khẩu lao động thời vụ tại Hàn Quốc thu hút sự quan tâm của nhiều người. Với những ưu điểm vượt trội như: mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc chuyên nghiệp, khả năng tích lũy kinh nghiệm quý báu, chương trình không chỉ mở ra cánh cửa mới, thúc đẩy giảm nghèo bền vững mà còn giúp NLĐ nông thôn có thêm trải nghiệm, trang bị kiến thức khoa học công nghệ để sau này có thể vận dụng vào thực tiễn, phát triển mô hình sản xuất khi trở lại quê hương