Mở rộng ảnh hưởng quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ đối diện lệnh trừng phạt kép
Với tham vọng mở rộng ảnh hưởng quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt nguy cơ bị các đồng minh Mỹ và châu Âu trừng phạt.
Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với các thách thức mới, đó là khả năng bị các đồng minh phương Tây (Mỹ và châu Âu) áp đặt lệnh trừng phạt kép do tham vọng mở rộng ảnh hưởng quốc tế của nước này.
Các đe dọa đối với được đưa ra trong bối cảnh nước này đang trải qua một tuần đầy biến động trên trường quốc tế. Cụ thể, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các tín đồ Hồi giáo tổ chức một buổi cầu nguyện lần đầu tiên vào hôm thứ 6 (24/7) tại bảo tàng Hagia Sophia, một công trình kiến trúc nằm tại thành phố Istanbul, có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử Chính thống giáo phương Đông và đã được tổ chức UNESCO xếp vào danh sách di sản thế giới.
Trước đó, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố chuyển bảo tàng Hagia Sophia thành một nhà thờ . Động thái này đã gây ra phản ứng gay gắt từ Hy Lạp, một đối thủ cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực; đồng thời bị các quốc gia khác như Nga, Mỹ, Pháp phản đối.
Không những vậy, trong tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đối mặt với nguy cơ các lệnh trừng phạt mới sau khi quốc hội Mỹ ban hành một đạo luật về việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ do nước này mua hệ thống tên lửa S400 của Nga. Trước đó vào năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tránh áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt lên Thổ Nhĩ Kỳ, mà chỉ quyết định đình chỉ việc chuyển giao 100 máy bay chiến đấu F35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nước này tiếp nhận hệ thống S-400 của Nga. Mỹ lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các máy bay chiến đấu F-35 bên cạnh hệ thống phòng không S400 của Nga có thể khiến các bí mật công nghệ bị Nga khám phá. Tuy nhiên, việc Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật lần này sẽ buộc Tổng thống Donald phải cân nhắc thể hiện quan điểm cứng rắn hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ sau vụ bắt giữ một linh mục người Mỹ vào năm 2018. Các lệnh trừng phạt khi đó đã khiến đồng nội tệ Thổ Nhĩ Kỳ trượt giá nghiêm trọng, giá cả các mặt hàng thiết yếu leo thang, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao… Hậu quả sau đó là đảng “Công lý và Phát triển” (AKP) đang cầm quyền của Tổng thống Erdogan đã đánh mất quyền kiểm soát đối với Ankara và Istanbul trong các cuộc bầu cử địa phương năm 2019, đồng thời xuất hiện những chia rẽ lớn trong nội bộ.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước châu Âu cũng ngày càng xấu đi do bất đồng trong vấn đề Libya và các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực tranh chấp trên biển Địa Trung Hải. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm chủ quyền của Hy Lạp và cộng hòa Síp khi tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại Địa Trung Hải, đồng thời kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt để đáp trả.
Tuy vậy, các chuyên gia nhận định sẽ ít có khả năng Tổng thống Erdogan xem xét thay đổi chính sách đối ngoại. Thứ nhất, khi mà các đồng minh truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ đang không có một chiến lược thực tế, cụ thể Mỹ đang xem xét rút lui khỏi khu vực và các nước châu Âu chưa có các hoạt động ngoại giao rõ ràng, thì chính sách tăng cường can dự của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đơn thuần là mang tính chất “điều hòa” và lấp đầy khoảng trống quyền lực. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ có cơ sở để không cần quá lo lắng về các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.
Theo chuyên gia kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Attila Yisilada, trong quan hệ với Mỹ, chính quyền Erdogan đang thực thi chính sách đối ngoại với phương châm “không cần quá lo lắng đến các quyết định của Quốc hội hay Tòa án Mỹ, khi mà ông Donald Trump vẫn đang là Tổng thống”. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ không nhận được nhiều viện trợ tài chính từ các nước châu Âu, đồng thời nước này cũng không quan tâm đến việc gia nhập EU như thời điểm cách đây 15 năm trước./.