Mở rộng cơ sở dữ liệu để quản lý thuế đối với kinh doanh online
Cục Thuế Vĩnh Phúc đã tăng cường kiểm tra, rà soát đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Để quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử, cùng với việc tuyên truyền, vận động, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã tăng cường kiểm tra, rà soát đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Công Thương tỉnh ban hành văn bản đến hơn 70 tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhằm rà soát, cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã gửi công văn đề nghị phối hợp đến 39 tổ chức, cá nhân làm dịch vụ bưu chính, giao nhận và chuyển phát trên địa bàn tỉnh nhằm lấy danh sách khách hàng cung cấp hàng hóa dịch vụ theo hình thức ship/cod để phối hợp khai thác và quản lý cá nhân bán hàng qua hình thức livestream. Đồng thời đơn vị phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng viễn thông, các ngân hàng thương mại…, để lấy được tài khoản, số tiền giao dịch của các cá nhân kinh doanh online theo hình thức livestream, từ đó đưa vào quản lý thuế theo đúng quy định.
Hiện nay, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đang quản lý 8 sàn giao dịch thương mại điện tử gồm Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ Thương mại Quốc Tuấn, Công ty TNHH Công nghệ Truyền thông Minh Đức, Công ty TNHH Đầu tư OHD Việt Nam, Công ty TNHH Bibum Việt Nam.
Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, các sàn giao dịch thương mại điện tử này đã thực hiện kê khai thuế đầy đủ theo đúng quy định, góp phần tạo dựng cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử toàn quốc. Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang quản lý 83 doanh nghiệp và 578 cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số với tổng số thuế thu được đạt trên 8 tỷ đồng.
Xác định dư địa thu trong lĩnh vực này có tiềm năng lớn để khai thác nhưng theo Cục Thuế Vĩnh Phúc, việc quản lý thu vẫn gặp phải nhiều khó khăn, cụ thể như phần lớn các cá nhân chưa thực hiện đăng kí kinh doanh, đăng kí thuế; khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế do thiếu cơ sở dữ liệu; việc định danh chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn do thông tin bị ẩn danh…
Trước đó, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 5307/UBND-KT4 ngày 24/7/2024 yêu cầu các sở, ngành địa phương đẩy mạnh phối hợp với cơ quan thuế các cấp rà soát, xác định các cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng nhằm tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, triển khai chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các trường hợp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng không thực hiện đúng đủ nghĩa vụ với cơ quan thuế, cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn theo quy định nhằm mục đích lan tỏa tính nghiêm minh của pháp luật.
Hiện nay, bên cạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, ngành thuế Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường rà soát, xác định các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số để hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế theo đúng quy định pháp luật. Mặc khác, thực hiện xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số mà chưa thực hiện đúng đủ nghĩa vụ với cơ quan thuế, các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật..