Mở rộng diện tích sản xuất lúa mùa hàng hóa chất lượng
Trong những năm gần đây, sản xuất vụ lúa mùa được xác định có vai trò nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác. Do vậy, các địa phương trong tỉnh đều xây dựng cơ cấu hướng đến sản xuất lúa hàng hóa chất lượng. Hiện, tỷ lệ lúa chất lượng trong vụ mùa chiếm trên 40% diện tích, nhiều địa phương đạt 50% - 70% diện tích trở lên và đang có chiều hướng tăng theo hằng năm.
Trong những năm gần đây, sản xuất vụ lúa mùa được xác định có vai trò nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác. Do vậy, các địa phương trong tỉnh đều xây dựng cơ cấu hướng đến sản xuất lúa hàng hóa chất lượng. Hiện, tỷ lệ lúa chất lượng trong vụ mùa chiếm trên 40% diện tích, nhiều địa phương đạt 50% - 70% diện tích trở lên và đang có chiều hướng tăng theo hằng năm.
Vụ mùa năm nay, huyện Kim Bảng xây dựng kế hoạch gieo cấy gần 4.000 ha lúa, với năng suất phấn đấu đạt 55 tạ/ha. Đặc biệt, huyện mở rộng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng lên hơn 68% diện tích và tập trung gieo cấy một số giống lúa chất lượng đang được thị trường ưa chuộng, như: LT2, Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, nếp 98, VT-NA6, lúa Nhật… Đây được coi là bước đột phá mới của các địa phương trong sản xuất, thay thế dần những giống lúa lai, lúa thuần giá trị thấp. Việc mở rộng diện tích lúa hàng hóa chất lượng tại Kim Bảng được gắn với quy hoạch vùng sản xuất cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc; các HTXDVNN trên địa bàn huyện tích cực liên hệ với các doanh nghiệp, đại lý thu mua thóc hàng hóa chất lượng cho người dân.
Điển hình, tại xã Văn Xá có trên 90% diện tích lúa mùa được cấy bằng các giống nếp 97, nếp 98. Việc bố trí cơ cấu giống lúa hàng hóa chất lượng của địa phương dựa trên nhu cầu thị trường. Tại đây có hệ thống đại lý chuyên thu mua, chế biến thóc, gạo nếp cung ứng ra thị trường. Với các giống lúa nếp chất lượng hiện nay cho năng suất không thua kém các giống lúa thuần khác. Không những thế, giá bán thóc nếp thường cao hơn khoảng một nghìn đồng/kg so với lúa thường. Do vậy, hiệu quả sản xuất lúa nếp chất lượng tại Văn Xá đạt cao hơn khoảng 15% so với lúa thuần khác.
Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc HTXDVNN Văn Xá cho biết: Hiện nay năng suất lúa nói chung được nâng cao, người dân không lo thiếu lương thực. Vì thế, địa phương bố trí sản xuất vụ mùa bằng các giống lúa hàng hóa chất lượng để nâng cao giá trị kinh tế. Hiệu quả của lúa hàng hóa chất lượng giúp toàn bộ diện tích đất lúa trên địa bàn được sản xuất, không có tình trạng bỏ ruộng do hiệu quả thấp…
Người dân xã Ngọc Sơn (Kim Bảng) chọn mua giống lúa chất lượng phục vụ sản xuất vụ mùa. Ảnh: Thành Nam
Với các địa phương khác trong tỉnh, việc nâng cao tỷ lệ sản xuất lúa hàng hóa chất lượng trong vụ mùa cũng được quan tâm. Tại xã La Sơn (Bình Lục) lúa chất lượng trong vụ mùa chiếm trên 60% diện tích gieo cấy. Đặc biệt, HTXDVNN La Sơn đã tập trung ruộng đất xây dựng mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng đạt tiêu chuẩn hữu cơ có diện tích 10 ha. Mô hình được Hội đồng quản trị HTX liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, giá trị đem lại từ sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại La Sơn cao hơn khoảng trên 20% so với lúa thường.
Ở huyện Lý Nhân, cũng xây dựng cơ cấu lúa hàng hóa chất lượng trong vụ mùa từ 40% - 45% diện tích, tương đương khoảng 2.500 ha lúa chất lượng. Các giống lúa được lựa chọn sản xuất hướng đến nhu cầu tiêu dùng nội địa của người dân, một phần thông qua đại lý cung cấp cho thị trường đô thị… Bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân cho biết: Trong xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa, phòng tham mưu với UBND huyện chỉ đạo bố trí cơ cấu giống hợp lý hướng đến sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng. Các địa phương dựa theo cơ cấu chung của huyện quy hoạch vùng sản xuất, chuẩn bị đủ nguồn giống chất lượng bảo đảm yêu cầu đề ra…
Đối với toàn tỉnh, vụ mùa năm nay, tỉnh ta xây dựng kế hoạch sản xuất lúa chất lượng chiếm 48% diện tích, tương đương hơn 14.000 ha, cao nhất từ trước đến nay. Các huyện, thành phố, thị xã đều bố trí cơ cấu sản xuất lúa chất lượng chiếm trên 40% diện tích trở lên. Những giống lúa chất lượng hiện nay đưa vào gieo cấy cơ bản đều đáp ứng được yêu cầu năng suất tương đương với những giống lúa thuần khác. Ngay giống lúa chất lượng chủ lực Bắc thơm số 7 đã được cấy gen kháng bạc lá phù hợp cho sản xuất vụ mùa với năng xuất bình quân khoảng 2 tạ/sào. Giá bán lúa chất lượng luôn ở mức cao, thường chênh bình quân 20% so với lúa lai và lúa thuần khác. Qua đó, giá trị sản xuất lúa chất lượng tăng hơn 15% - 20% so với lúa thuần khác. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gạo chất lượng cho bữa ăn hằng ngày của người dân hiện nay tăng lên so với trước là yếu tố quan trọng để mở rộng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng. Thực tế, trên thị trường gạo chất lượng vẫn đang thiếu và phải nhập thêm một phần từ nước ngoài, nhất là từ Thái Lan. Sản xuất ổn định lúa chất lượng trong nội địa cũng giúp chủ động nguồn cung và giá bán hợp lý đến với người tiêu dùng.
Trao đổi về việc mở rộng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng trong vụ mùa, ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sản xuất lúa của tỉnh hiện đã đến ngưỡng trần năng suất, bình quân đạt hơn 120 tạ/ha/năm. An ninh lương thực được bảo đảm, một phần lương thực dư thừa đã trở thành hàng hóa. Để nâng cao giá trị kinh tế, việc mở rộng lúa hàng hóa chất lượng là yêu cầu tất yếu trong sản xuất vụ mùa. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục lựa chọn các giống lúa chất lượng phù hợp và xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng tập trung nhằm nâng cao hơn nữa tỷ lệ lúa hàng hóa chất lượng…
Mục tiêu của tỉnh đặt ra là, đến năm 2025 tỷ lệ lúa chất lượng trong cơ cấu sản xuất 2 vụ lúa đạt trên 50% diện tích. Hiện nay diện tích lúa chất lượng từng bước được mở rộng, nhất là trong vụ mùa, giúp hoàn thành mục tiêu đề ra; đồng thời, tạo đà hướng đến hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, VietGap, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của thị trường.