Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn

Với lợi thế về thổ nhưỡng, các địa phương trong tỉnh tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người dân sản xuất rau, trong đó có các diện tích sản xuất rau an toàn đạt hiệu quả kinh tế cao, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Qua đó, thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh phát triển, mang lại thu nhập cho nông dân.

Bình Lư là một trong những xã dẫn đầu của huyện Tam Đường về sản xuất rau xanh, với diện tích lớn, các loại rau trồng phong phú, sản phẩm được tiêu thụ nhanh. Hiện, toàn xã có 46ha rau, củ, quả các loại, riêng rau ngắn ngày (rau cải các loại) 8ha, sản lượng 35 tấn/ha. Để đảm bảo chất lượng rau đáp ứng được nhu cầu thị trường, chính quyền xã tập trung tuyên truyền người dân áp dụng sản xuất rau theo hướng hữu cơ, an toàn; sản xuất các loại rau ngắn ngày, đa dạng về chủng loại.
Ông Quách Tá Thiện - Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết: Cùng với phát triển diện tích trồng rau củ, xã định hướng người dân mở rộng thêm 10-15ha rau ngắn ngày, trong đó trồng trong nhà màng khoảng 2ha; đảm bảo tiêu chí an toàn, tập trung. Qua đó, nâng cao về sản lượng và chất lượng, tăng thu nhập cho người trồng rau.
Nằm giữa lòng thành phố Lai Châu, khu trồng rau xanh của phường Quyết Thắng với đa dạng các loại rau được trồng theo hướng tập trung; rau sản xuất không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được các thị trường lớn ngoài tỉnh ưa chuộng. Gia đình anh Bùi Văn Phong là một trong nhiều hộ có diện tích sản xuất rau lớn của phường, với 14 lao động thường xuyên, cuối giờ chiều hằng ngày là thời điểm vườn rau nhộn nhịp thu hoạch để kịp xuất đi Hà Nội. Anh Phong cho biết: Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương hợp với trồng rau, đặc biệt là các loại rau ngắn ngày, hơn 4 năm trước, gia đình tôi và 1 vài anh em hùn vốn thuê đất của bà con trong bản để trồng rau xanh. Diện tích vườn rau hiện tại khoảng 2,2ha. Rau được trồng đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật từ khâu làm đất, đa dạng về giống, mùa nào rau đó. Hiện, vườn rau đang vào vụ thu hoạch dưa leo, rau cải, các loại rau thơm và hành lá; bình quân mỗi ngày thu hơn 1 tấn dưa leo, trên 1 tạ hành lá. Một năm làm 4 vụ, mang lại lợi nhuận hơn 1,6 tỷ đồng và tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Nông dân phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu) thu hoạch rau xanh.

Nông dân phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu) thu hoạch rau xanh.

Thành phố Lai Châu có hơn 60ha trồng rau, tập trung ở 6 xã, phường: San Thàng, Sùng Phài, Đông Phong, Tân Phong, Quyết Tiến và Quyết Thắng. Chính quyền thành phố xác định mục tiêu đến năm 2030 có 170ha trồng rau, trong đó 30ha trồng rau an toàn và theo quy trình kỹ thuật. Bà Dương Thị Nhài - Phó Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết: “Phòng tập trung tham mưu UBND thành phố tuyên truyền người dân sản xuất rau an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: áp dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt. Cùng với đó, thành phố chú trọng việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, qua việc đưa các sản phẩm rau giới thiệu tại các hội chợ, chương trình, sự kiện lớn được tổ chức tại tỉnh và các địa phương trong nước; đưa lên các sàn thương mại điện tử. Qua đó, tăng giá trị sản phẩm, mang lại doanh thu cho người trồng rau. Nhờ các hướng đi hiệu quả, trung bình các diện tích sản xuất rau đại trà có doanh thu 400 - 500 triệu đồng/ha, đặc biệt các diện tích rau sản xuất an toàn đạt doanh thu từ 1 - 2 tỷ đồng/ha.
Diện tích gieo trồng rau các loại trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 985ha, tăng 3,14% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng thu hoạch ước đạt 6.608 tấn. Ngày 22/1/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND tỉnh nhằm cụ thể hóa các nội dung Đề án Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 vào điều kiện thực tế của địa phương; góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm rau của tỉnh. Trong đó, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ, chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm rau của thị trường trong nước và các nước nhập khẩu để phổ biến, thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn biết và có kế hoạch sản xuất, kinh doanh gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Từ những định hướng phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tin rằng diện tích trồng rau của tỉnh sẽ đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt là diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Qua đó, mang lại thêm nhiều lợi nhuận cho người trồng rau.

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030: tổng diện tích rau toàn tỉnh đạt trên 3.210ha, gồm: cải các loại trên 2.000ha; bầu, bí, dưa các loại 400ha; rau họ đậu khoảng 180ha; nhóm rau khác (rau muống, bầu, bí, khoai tây, rau gia vị, rau bản địa, ớt,…) trên 420ha; trên 95% số mẫu rau được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc khoảng 255ha, chiếm khoảng 8% tổng diện tích gieo trồng rau cả tỉnh.

Đông - Duy

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/m%E1%BB%9F-r%E1%BB%99ng-di%E1%BB%87n-t%C3%ADch-s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-rau-an-to%C3%A0n