Mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp là phù hợp với chủ trương tích tụ đất đai, phát triển sản xuất
Tiếp tục diễn đàn góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Báo Thanh Hóa xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến đóng góp của cán bộ, chuyên gia và Nhân dân trong tỉnh.
Ông Trịnh Thế Tuấn, Chủ tịch Hội Luật gia huyện Vĩnh Lộc: Khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội
Luật Đất đai là đạo luật phức tạp, có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội với phạm vi tác động sâu rộng. Việc sửa đổi Luật Đất đai hướng tới gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội; đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi nhất trí cao về bố cục, nội dung trong Dự thảo Luật, đồng thời xin đóng góp một số ý kiến sau:
Tại Điều 10 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định khá đầy đủ về các loại đất: “Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất công trình giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, đường sắt, đường bộ và công trình giao thông khác); công trình thủy lợi; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác”. Song, chưa đề cập đến đất công trình cấp nước sạch, thoát nước mưa và nước thải (gồm công trình đầu mối, công trình phụ trợ và mạng lưới thoát nước). Trong khi vấn đề thoát nước mưa, nước thải đã và đang là vấn đề phức tạp, khó giải quyết trong các khu dân cư, nhất là dân cư đô thị. Vì vậy cần nghiên cứu, bổ sung các loại đất nói trên; đồng thời rà soát bổ sung trong nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các loại đất của các công trình này.
Tại Điều 40 Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất (điểm đ khoản 2): "Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật". Quy định như vậy là đầy đủ, tuy nhiên trong thực tế tại nhiều nơi, nhất là khu vực đất thổ cư đây lại là lĩnh vực khá phức tạp, làm phát sinh vướng mắc, mâu thuẫn giữa những người được hưởng thừa kế như: GCNQSDĐ của người để lại thừa kế không có, ranh giới đất, lối đi... vì vậy, phần này Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần quy định, hướng dẫn chi tiết để thực hiện thống nhất.
Tại Điều 142 quy định về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cần nói rõ giá trị pháp lý của GCNQSDĐ là chứng thư pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp để xác nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp. Cần nói rõ như vậy vì hiện nay, trong một số giao dịch trên thị trường, do thiếu hiểu biết, hoặc do lệ phí cấp giấy chứng nhận cao, hoặc ngại phiền hà nhiều trường hợp vẫn sử dụng các loại giấy tờ do cấp xã hoặc cơ quan chuyên môn về đất đai xác nhận để sử dụng như một căn cứ giao dịch. Điều này dễ dẫn đến sai phạm và khiếu kiện.
Ông Nguyễn Quang Lâu, công chức địa chính phường Quảng Cát, TP Thanh Hóa: Ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để thu gom đất không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp
Tại khoản 5 Điều 74 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, hàng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch SDĐ hàng năm cấp huyện mà sau 3 năm không thực hiện.
Tôi cho rằng trong trường hợp quy hoạch SDĐ đã được công bố mà chưa có kế hoạch SDĐ cấp huyện thì người dân SDĐ được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người SDĐ theo quy định của pháp luật, có như vậy, người SDĐ mới không bị hạn chế về các quyền SDĐ đã được quy định. Ví dụ như, đối với địa bàn phường Quảng Cát hiện nay đang ảnh hưởng bởi Dự án Quy hoạch Đông Nam thành phố với hơn 500 ha. Quy hoạch đã hơn 11 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện dự án, ảnh hưởng lớn đến quyền SDĐ của người dân...
Tại Điều 154 của Dự thảo Luật quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm (công bố công khai và áp dụng từ ngày 1-1 của năm) để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường, gây thất thu ngân sách Nhà nước và khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất. Tôi cho rằng việc ban hành bảng giá đất nên định kỳ 2 năm một lần và UBND tỉnh có quy định thêm việc điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động giá tăng/giảm từ 20% trở lên.
Tại Điều 51 Dự thảo quy định về điều kiện chuyển đổi quyền SDĐ nông nghiệp: “Hộ gia đình, cá nhân SDĐ nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền SDĐ hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền SDĐ nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền SDĐ và lệ phí trước bạ”.
Theo Dự thảo Luật (sửa đổi) thì đối tượng nhận chuyển nhượng quyền SDĐ nông nghiệp đã được mở rộng hơn cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân ngoài xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú được tiếp tục sử dụng đất trồng lúa. Điều này hoàn toàn hợp lý và phù hợp với chủ trương tích tụ đất đai, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì thế việc không hạn chế tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cũng là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, cần phải có biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc nhận chuyển nhượng, kiểm soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng và phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, tránh tình trạng lợi dụng chính sách, thu gom đất không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp.